Không đồ sộ, không ồn ào, nhộn nhịp như những nhà máy công nghiệp, mọi hoạt động diễn ra lặng lẽ trong trật tự, chặt chẽ như các nguyên lý khoa học.
Mỗi người một nhiệm vụ và một ý tưởng, tự nguyện đến đây để được thỏa sức thể hiện, cụ thể hóa ý tưởng thành sản phẩm ứng dụng thực tế. Đó là hoạt động của Trung tâm Sáng tạo sản phẩm, trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.
Nằm xen giữa các khoa Cơ khí, Điện tử, Trung tâm sáng tạo sản phẩm thuộc Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (TT-ĐHKTCN) trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà khoa học, sinh viên và cả doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ứng dụng công nghiệp trong thực tế sản xuất. Mặc dù mới thành lập từ đầu năm 2014, nhưng nơi đây đã quen đối với các giảng viên và sinh viên sau mỗi giờ tan học trên giảng đường.
Thầy giáo Vũ Quốc Việt, giảng viên ngành Cơ khí, kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết: Sau nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các cựu sinh viên trên diễn đàn Website của Trường, Ban Giám hiệu đã quyết định cho ra đời Trung tâm. Với mong muốn nơi đây sẽ là cơ sở để hiện thực hóa các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu khoa học…nhằm khắc phục tình trạng học tập, nghiên cứu bằng lý thuyết, giảng dạy chay, xa rời thực tế, xa rời nhu cầu tuyển dụng lao động và sinh viên, giảng viên không làm chủ công nghệ, thiết bị mới. Sau hơn 1 năm hoạt động, dù còn thiếu thốn về thiết bị, công cụ thực hành, nhưng bình quân mỗi tháng, nơi đây tiếp nhận trên 100 lượt giảng viên, sinh viên, các chuyên gia, các doanh nghiệp đến hợp tác chế tạo sản phẩm. Ưu điểm của Trung tâm là nơi hội tụ tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ thuộc các loại hình ngành nghề đào tạo của trường. Vì vậy, gần như tất cả giảng viên, sinh viên các ngành Cơ khí, điện, điện tử, chế tạo máy, xây dựng, kinh tế công nghiệp, tin học… đều có thể đến đây làm việc. Quan trong hơn là các nhóm ngành nghề gặp nhau tại đây để tích hợp nên những sản phẩm hoàn chỉnh, không như trước đây, mỗi ngành đào tạo cho ra đời một sản phẩm thực hành, sản phẩm nghiên cứu thuần túy của lĩnh vực mình đào tạo, để rồi làm ra lại cất vào kho. Trung tâm cũng là nơi thực nghiệm các bài giảng trước khi được biên soạn thành giáo trình.
Thuyết minh với chúng tôi về sản phẩm mới “xuất xưởng” do Trung tâm làm ra và ngay lập tức Nhà máy Xi măng Quang Sơn tìm đến ký hợp đồng mua và tiếp tục đặt hàng, thầy giáo Chu Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Sau chuyến thăm các nhà máy sản xuất xi măng, các xí nghiệp chế biến than, khoáng sản… chúng tôi thấy việc cân các sản phẩm đầu vào và đầu ra vẫn còn thủ công, cần nhiều người và chậm tiến độ. Từ thực tế này, Trung tâm đã phối hợp với các thầy, cô giáo các khoa Cơ khí, Điện, Điện tử, Toán tin và các thầy cô giáo khoa cơ bản như Vật lý, Toán… để làm ra hệ thống cân băng tải điện tử chỉ trong vòng 2 tháng. Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là có thể cân tức thời và cân liên tục các sản phẩm chạy trên băng tải. Về giá trị kinh tế, đã làm giảm giá thành gần 100 triệu đồng so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Đặc biệt, giảm 70% thời gian cân so với sản phẩm truyền thống, và chỉ có một công nhân vận hành máy qua hệ thống điều khiển tự động trên máy tính; ngôn ngữ điều khiển bằng tiếng Việt, thao tác nhanh, dễ hiểu, giao diện trên màn hình thân thiện, nhiều đối tượng công nhân, người lao động đều có thể vận hành dễ dàng.
Không chỉ dừng lại việc sáng chế các sản phẩm công nghiệp thuần túy, Trung tâm còn trực tiếp thực hiện công việc cải tiến thiết bị đo nhịp thở (bộ phận thiết bị hỗ trợ kiểm tra hô hấp) của Phòng thí nghiệm Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Theo Giám đóc Vũ Quốc Việt: Đây là loại thiết bị có độ chính xác rất cao, tích hợp kiến thức của nhiều ngành, nhưng quan trọng là phục vụ thăm khám chăm sóc sức khỏe con người mà nay trên thị trường bán rất đắt, lại khó nhập khẩu. Bên cạnh đó thiết bị này lại là dụng cụ giảng dạy liên quan đến những nguyên lý cơ bản về kiến thức chuyên ngành Y. Sau khi tập hợp các chuyên gia, các giảng viên của từng lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng, Trung tâm đã thiết kế lại, cải tiến mạch động cơ, khuếch đại tín hiệu đo để nâng chỉ số đo đếm đến mức thấp hơn thiết kế ban đầu của thiết bị. Và đúng dịp đầu năm 2015, thiết bị được bàn giao trong sự vui mừng của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, khi mà trước đó, thiết bị này đã phải ngừng hoạt động gần 2 năm.
Hơn 1 năm đi vào hoạt động, chưa thể đánh giá hết được toàn diện những hiệu quả và giá trị sản phẩm mà Trung tâm đã tạo ra, song những dòng sản phẩm mới như: Máy khoan tự động, máy đục CNC 3 trục, bếp hóa khí tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, hệ thống cân băng định lượng, bóng điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời… bước đầu đã được ghi nhận bằng các giải thưởng sáng tạo trẻ toàn quốc năm, giải thưởng của Bộ khoa học và Công nghệ năm 2014 và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Đây chính là động lực thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, gắn dạy học, nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tiễn của Trung tâm và của Trường ĐHKTCN Thái Nguyên.