Trong hai ngày 1-2/4, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thường niên của Ban điều hành hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-ACTS) lần thứ 7, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo hơn 25 trường đại học thuộc mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Đây là một trong hai hoạt động quan trọng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức, nhân năm ASEAN 2015 tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các trường đại học khác nhau trong cộng đồng đã cùng chia sẻ các ý tưởng phát triển bền vững và vận hành nhịp nhàng hệ thống trao đổi tín chỉ giữa các trường thành viên. Đây không phải là việc dễ dàng, nhất là khi các trường đại học thuộc AUN vẫn đang tổ chức các chương trình đào tạo theo các niên biểu khác nhau, thời gian của khóa học, thời gian bắt đầu và kết thúc mỗi kỳ học chưa đồng nhất giữa các trường trong cộng đồng.
Về việc công nhận tín chỉ, trước kia với cùng một môn học, ở một số trường có số tín chỉ khác nhau nên các đại biểu còn tranh luận về việc có được công nhận như nhau hay không. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã thống nhất quan điểm chung là theo chuẩn đầu ra tức là thời lượng đào tạo có thể khác nhau, nhưng nếu đạt chuẩn đầu ra thì vẫn được công nhận. Đó là bước tiến rất lớn qua nhiều phiên thảo luận.
Hội nghị cũng đã thảo luận về việc mở rộng trao đổi tín chỉ với các học viên cao học tham gia vào các chương trình nghiên cứu chung, các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh…chứ không chỉ dừng lại ở việc trao đổi tín chỉ với sinh viên.
Hiện nay, các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội rất chú trọng tăng cường hội nhập và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo. Hội nghị hệ thống chuyển đổi tín chỉ mạng lưới Đại học Đông Nam Á tạo cơ hội cho các trường đại học trong khu vực xây dựng các chuẩn mực chung của AUN trong công tác đào tạo từ ngôn ngữ tới nội dung giảng dạy… Từ đó, học sinh của nước này có thể sang các quốc gia khác trong khu vực học từ 1 – 2 học kỳ sau đó trở về nước học tiếp các học kỳ còn lại và vẫn được cấp các chứng chỉ tương đương. Thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, mỗi nước sẽ trau dồi, tăng cường hội nhập quốc tế các chương trình đào tạo của mình theo chương trình chung của khu vực. Ngoài ra, việc trao đổi sinh viên cũng sẽ khuyến khích các em sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ, chuyên môn để hội nhập.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết: Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng ASEAN nên sẽ quyết tâm cùng nhau xây dựng và phát triển một cộng đồng các trường đại học Đông Nam Á lớn mạnh, vươn tầm thế giới, làm cơ sở cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách, các nguồn học bổng cho sinh viên để đảm bảo hoạt động bền vững của hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Bà Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á chia sẻ: Kể từ Hội nghị thường niên của Ban điều hành hệ thống trao đổi tín chỉ trong mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 đến nay, hệ thống này đã trải qua một chặng đường dài phát triển và không ngừng được mở rộng. Vào năm 2014, khi hội nghị được tổ chức ở Surabaya, các đại biểu đã cùng thảo luận về những thách thức khi trao đổi tín chỉ giữa ASEAN và APT (ASEAN+3). Kết quả đã có thêm 2 trường đại học thuộc ASEAN+3 đó là Trường Đại học Kyoto và Trường Đại học Okayama của Nhật Bản sẵn sàng trao đổi tín chỉ với hệ thống các trường đại học Đông Nam Á. Bà hi vọng sẽ có nhiều hơn nữa các trường đại học thuộc ASEAN+3 tham gia vào chương trình trao đổi tín chỉ và hội nghị này là để thảo luận về kế hoạch mở rộng các chương trình trao đổi tín chỉ với các trường đại học không phải là thành viên của AUN vào năm 2017.
Tính đến tháng 2/2015, sau hơn 4 năm triển khai hệ thống này đã có 1518 chương trình trao đổi tín chỉ. Con số này cho thấy hệ thống đã được rất nhiều sinh viên từ các trường đại học thành viên của AUN biết đến./.