Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Vũ Thị Hương, Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh đã không quản ngại khó khăn mang đến cho học sinh khuyết tật kiến thức và cả tình yêu thương của một người mẹ.
Cô Hương tâm sự: "Nếu so sánh giữa dạy học sinh bình thường thì với trẻ khuyết tật vất vả đủ bề. Những ngày đầu các em nhập trường chưa quen nhau, phá phách, bỏ lớp đi lung tung, có em còn trốn trường tìm đường về nhà khiến giáo viên hoảng hồn tá hỏa khắp nơi đi tìm. Sau khi học được nửa học kỳ, các em quen với nếp sinh hoạt chung nên mọi hoạt động cũng dần đi vào nề nếp. Phần lớn học sinh của trường đều sống xa gia đình, ở tập trung tại trường rất thiếu thốn tình cảm. Để việc giảng dạy hiệu quả thì giáo viên phải luôn ân cần, gần gũi, nhẹ nhàng, yêu thương các em hết mực, coi học sinh như con em mình thì việc dạy dỗ mới hiệu quả".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cô Vũ Thị Hương sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở huyện Phú Bình. Từ nhỏ cô đã mơ ước trở thành cô giáo. Tốt nghiệp THPT năm 1990, cô thi vào Trường Trung học Sư phạm Thái Nguyên, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Năm 1992, tốt nghiệp cô về Trường Tiểu học Tân Khánh dạy học. Đến năm 2006, cô được điều chuyển sang dạy tại Trường Tiểu học xã Bảo Lý. Mặc dù con nhỏ, điều kiện kinh tế hạn hẹp song cô đã khắc phục khó khăn để học tiếp đại học. Đến tháng 9-2008, để thuận lợi cho việc học tập của con, cũng như điều kiện đi làm của chồng, cô xin chuyển về Trường Hỗ trợ và Giáo dục Trẻ em bị thiệt thòi.
16 năm dạy học sinh tiểu học tích lũy không ít kinh nghiệm, nhưng khi chuyển sang dạy học sinh khuyết tật với cô Vũ Thị Hương gần như phải học lại về phương pháp giảng dạy từ đầu. Bởi ở đây, không chỉ dạy cho trẻ biết biểu đạt ngôn ngữ bằng kí hiệu, biết chữ, mà còn dạy cho các em biết lễ phép, nhường nhịn nhau, tự làm những công việc thường ngày như khi sống ở gia đình. Vừa làm công tác giảng dạy, vừa làm giáo viên chủ nhiệm, cô Hương cũng như nhiều thày cô khác nhận học sinh từ khi mới nhập trường dìu dắt các em đến khi hoàn thành cấp học tiểu học. Để khi tốt nghiệp lớp 5, học sinh không chỉ đọc thông, viết thạo, làm toán, làm văn giỏi mà còn hát hay, biết chơi nhiều môn thể thao, đặc biệt là các em được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để biết tự chăm sóc bản thân mình khi xa gia đình. Chia sẻ về niềm vui ấy, cô Hương nói: "Năm nay lớp học sinh khiếm thính do tôi chủ nhiệm các em đã lên lớp 4. Trong lớp có 8 học sinh, thì có 4 em thuộc diện hộ nghèo. Các em đều có ý thức tập thể, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, coi lớp như một ngôi nhà thứ hai, luôn nghe lời cô giáo, yêu thương bố mẹ, chăm chỉ học hành. Năm học này, 2 học sinh của lớp đã mang về cho Trường Huy chương Bạc trong Hội diễn Văn nghệ học sinh khuyết tật toàn quốc. Năm nào lớp cũng có học sinh giỏi và đều là lớp tiên tiến của Trường. Tôi cho đây là những yếu tố thành công nhất mà mình đã làm được”.
Gần 8 năm gắn bó với ngôi trường này là từng ấy thời gian cô giáo Vũ Thị Hương tâm huyết dạy dỗ học sinh kém may mắn. Cô tâm sự: “Với trẻ bị khiếm thính điều khó nhất đó chính là giúp các em tiếp thu đầy đủ kiến thức để hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, trong các môn học thì khó khăn nhất là dạy môn Tiếng Việt. Với sự đa dạng, phong phú của ngôn ngữ Việt Nam, phải tìm được những kí hiệu phù hợp để diễn tả cho các em hiểu. Để các em có thể hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi ở người thầy sự kiên trì, nhẫn nại trong giáo dục và chăm sóc bằng tình yêu thương chân thành. Ngoài dạy kiến thức cơ bản, tôi còn hướng dẫn học sinh những công việc hàng ngày trong sinh hoạt khi các em ở ký túc xá. Hầu hết học sinh khuyết tật tại đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, có em phải bỏ học giữa chừng. Nhiều trường hợp, gia đình không có điều kiện đưa đón vào ngày nghỉ lễ, tôi không ngại đường xa trực tiếp đón học sinh đến lớp”. Cô Hương chia sẻ thêm: "Khi mới nhận công tác tại trường với nhiệm vụ dạy trẻ khuyết tật, tôi lo lắng vô cùng. Tôi đã đăng ký và tham gia một số lớp học về ngôn ngữ kí hiệu, học hỏi ở đồng nghiệp, đặc biệt là dành nhiều thời gian để trò chuyện với học sinh. Nhờ vậy, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ trợ cho quá trình giảng dạy hiệu quả hơn. Hàng ngày được dạy dỗ, nhìn những ánh mắt trong sáng toát lên sự ham hiểu biết của các em qua mỗi bài giảng, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Khi hỏi em Dương Thị Nga, nhà ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn về cô giáo chủ nhiệm của mình, thông qua phiên dịch của một đồng nghiệp của cô Hương, Nga nói: “Con rất yêu cô Hương, vì cô dạy con biết đọc, biết viết và chăm sóc chúng con từ giấc ngủ đến bữa ăn như người mẹ hiền". Dẫu vẫn còn khó khăn trong cách biểu đạt, nhưng chúng tôi hiểu những nhận xét của Nga đối với cô giáo Vũ Thị Hương đều xuất phát từ tình yêu thương, trái tim nhân ái mà cô đã dành cho các em học sinh.
Nhận xét về cô giáo Vũ Thị Hương, cô Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Cô Hương là một giáo viên có chuyên môn tốt. Trong công việc cô rất tận tụy, tâm huyết, yêu nghề, luôn chịu khó học hỏi. Nhiều năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, liên tục là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Vừa qua, cô là 1 trong 131 thầy cô giáo của toàn tỉnh được Sở Giáo dục & Đào tạo tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị thi đua điển hình tiên tiến ngành Giáo dục giai đoạn 2010-2015”.