Ngày 8-5, tại Trung tâm Học liệu (Đại học Thái Nguyên), Ngân hàng Thế giới phối hợp với Trung tâm Học liệu tổ chức Hội thảo về công khai thông tin trong quản lý đất đai (TTQLĐĐ).
Hội thảo đã thu hút gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai của các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và các nhà khoa học. Theo khảo sát đánh giá về kết quả thực hiện công khai hóa TTQLĐĐ của Ngân hàng Thế giới đến năm 2014, cả nước mới có trên 70% thông tin về lĩnh vực này được công khai trên các phương tiện truyền thông và thông tin trực tiếp tại các điểm giao dịch dịch vụ hành chính công. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội và chiếm đến 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân chính được các đại biểu dự Hội thảo phân tích là do tính chất phức tạp trong các quy định về pháp luật đất đai; Tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ TTQLĐĐ chưa cao, chủ yếu vẫn mang tính “Cần gì thì hỏi”; Trên các trang thông tin điện tử được công bố tại các tỉnh vẫn còn đến gần 2/3 nội dung chưa đủ, hoặc chưa kịp cập nhật…Một số ý kiến tại Hội thảo cũng đã nhận định: Sự đánh giá của người dân tại các điểm giao dịch dịch vụ hành chính công vẫn còn cảm tính, người được việc thì hài lòng, người chưa được việc thì được hướng dẫn tiếp tục ra thêm hạn thời gian…
Để khắc phục những hạn chế này, mặc dù nhiều cơ quan đã thực hiện việc niêm yết công khai các thông tin và các trang điện tử, song hình thức trình bày rời rạc, khó nhận biết và không có liên kết. Hầu hết ý kiến tại Hội thảo đều chỉ ra những tồn tại, trong đó cần tập trung khắc phục việc hệ thống lại các thông tin; cần có con người chuyên môn sâu thường trực tại cơ quan cung cấp TTQLĐĐ, liên tục cập nhật và hướng dẫn người dân khi có nhu cầu. Đặc biệt cần hiện đại hóa hệ thống quản lý thông qua dịch vụ điện tử, hạn chế những giao dịch trực tiếp và liên tục nắm bắt dư luận xã hội để bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp dịch vụ công về QLĐĐ.