Thực hiện chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh dùng cho các cấp học phổ thông.
Theo dự thảo, bộ tiêu chí gồm 45 tiêu chí và được chia thành 4 nhóm: Mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp dạy học; Thiết kế và cấu trúc; Kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ; Hỗ trợ người dùng sách.
Trong đó, nhóm tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp giảng dạy; nhằm đánh giá sự phù hợp của sách giáo khoa đối với chương trình giảng dạy, mục tiêu giảng dạy, đối tượng người học. Phương pháp tiếp cận, đường hướng, thủ thuật giảng dạy tiếng Anh được đánh giá để đảm bảo mức độ tương thích của sách với xu hướng cập nhật trong giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam và trên thế giới.
Nhóm tiêu chí về thiết kế và cấu trúc giúp đánh giá tổng quan thiết kế của sách, tính khoa học, hợp lý trong việc tổ chức các phần nội dung và một số thuộc tính vật chất cần thiết của sách.
Nhóm tiêu chí về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ giúp đánh giá nội dung kiến thức chung giới thiệu trong các bài học của sách và đánh giá nội dung dạy các kỹ năng tiếng Anh gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, và các nội dung từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm.
Nhóm tiêu chí về hỗ trợ người sử dụng sách được sử dụng để đánh giá mức độ hỗ trợ người sử dụng sách.
Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 3 mức điểm gồm: 0 (không đạt); 1 (đạt) và 2 (tốt). Sách giáo khoa được đánh giá với 45 tiêu chí đạt mức điểm 1 và 2 (tương đương tổng số điểm đánh giá từ 60 đến 90) và không có điểm 0 nào, sẽ được đề xuất là phù hợp với một chương trình cụ thể.
Bộ tiêu chí khi được thông qua sẽ là căn cứ để các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiến hành thẩm định sách; Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách; giáo viên và nhà trường tham khảo khi chọn sách đã được Bộ phê duyệt để dạy học trong trường.