Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có những cải tiến mạnh mẽ nhằm đổi mới chất lượng thi cử. Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên để được công nhận tốt nghiệp, học sinh phải thi 4 môn (trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn.
Tuy nhiên, trong những đợt khảo sát môn thi do học sinh đăng ký từ các trường THPT cho thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử rất thấp. Nhiều trường chỉ có vài em chọn Lịch sử là môn tự chọn.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta cảnh báo về tình trạng học sinh “thờ ơ” với môn Lịch sử nhưng có lẽ, thông qua số lượng học sinh đăng ký môn ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã bộc lộ những yếu kém về chương trình, phương pháp giảng dạy, chương trình sách giáo khoa cho môn học này. Những bất cập này cần nhanh chóng được thay đổi sao cho phù hợp với việc giảng dạy-học tập thực tế. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề này.
Xã hội cần thay đổi cách nhìn với môn Lịch sử
PV: Thưa ông, trong những đợt khảo sát môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cho thấy, nhiều học sinh không chọn Lịch sử là môn tự chọn. Nhiều trường học chỉ có vài học sinh đăng ký thi. Là người tâm huyết với lịch sử, ông suy nghĩ gì về thực tế này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhiều nước trên thế giới luôn coi Lịch sử là môn học cơ bản và cần thiết. Không chỉ vì kiến thức lịch sử ở nước họ quan trọng hơn so với nước khác mà ở kiến thức môn học này đã tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân như: ý thức xã hội, tinh thần tự tôn, niềm tự hào của người dân đối với quốc gia, dân tộc…
Còn ở nước ta vẫn chỉ coi Lịch sử là môn học phụ nên đã làm mất đi tính thuyết phục, khách quan của môn học này đối với nhận thức của người dân, trong đó có giới trẻ. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến môn Lịch sử trở nên nhàm chán và không tạo được cảm hứng đối với người học.
Mặc dù mỗi một quốc gia, dân tộc có nền kinh tế, văn hóa khác nhau nhưng cách thức mà một số nước coi trọng, tạo được lòng tự tôn, niềm tin cho nhân dân về lịch sử dân tộc rất đáng được Việt Nam tham khảo.
Đổi mới sách giáo khoa Lịch sử không thể vội vàng
PV: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, trong đó có môn Lịch sử. Theo ông, đổi mới sách giáo khoa Lịch sử nên được thực hiện như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tình trạng học sinh chán học Lịch sử có rất nhiều nguyên nhân, từ phương pháp dạy học, cách thức học tập và cả kiến thức trong sách giáo khoa. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, trong đó có môn Lịch sử. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử là cần thiết để phù hợp với thực tiễn giảng dạy. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định, đơn vị nào được tham gia biên soạn sách giáo khoa và được biên soạn chỉ 1 bộ hay nhiều bộ.
Lịch sử là môn khoa học xã hội tác động lớn đến nhận thức, tư duy của người dân và đặc biệt là học sinh nên khi đổi mới chương trình sách giáo phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện một cách bài bản, thận trọng theo quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Việc biên soạn không thể tiến hành một cách hời hợt, vội vàng. Kiến thức lịch sử được in trong sách giáo khoa trong năm nay nhưng năm sau không thể dễ dàng bị xóa bỏ để làm lại từ đầu.
Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử nên được thực hiện theo hướng để cho nhiều nhóm, đơn vị cùng tham biên soạn. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được sự sáng tạo, đóng góp trí tuệ của giới chuyên môn, các nhà khoa học, các nhà giáo để xuất bản được một bộ sách chất lượng tốt. Song song với việc biên soạn, đổi mới chương trình sách giáo khoa, chúng ta cũng rất cần có một bộ phận thẩm định sách đạt tiêu chuẩn, tin cậy.
Thay đổi phương pháp, chọn lọc kiến thức để giảng dạy
PV: Là người nghiên cứu lịch sử, theo ông, để thế hệ trẻ em mến và thích thú học Lịch sử dân tộc, chúng ta cần phải làm gì?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Học tập và giảng dạy môn Lịch sử không giống như những môn học tự nhiên nên tri thức mà học sinh tiếp nhận ở nhà trường chỉ góp phần rất nhỏ xây dựng nên ý thức của các em đối với môn học này. Điều quan trọng khiến học sinh yêu thích môn Lịch sử là ở sự kết hợp hài hòa gữa tri thức học được ở nhà trường với việc giáo dục từ gia đình, học hỏi, tác động từ xã hội. Nếu chúng ta dạy học sinh phải biết yêu đất nước, yêu nhân dân mình nhưng khi tiếp xúc ở ngoài xã hội, các em nhận thấy nhiều cán bộ có chức vụ cao lại có những hành vi phương hại đến lợi ích quốc gia, tham nhũng, vụ lợi cho gia đình và bản thân hoặc ở gia đình, bố mẹ không gương mẫu trong nhiều việc thì các em sẽ mất lòng tin vào nền giáo dục, trong đó có môn Lịch sử.
Để Lịch sử là môn học thực sự yêu thích đối với học sinh thì ngành Giáo dục cần xác định giảng dạy, trang bị những thứ thực sự cần thiết cho học sinh. Giáo viên dạy Lịch sử cần xác định phương pháp nào hữu hiệu để học sinh dễ tiếp thu, hứng thú nhất. Đặc biệt là, giáo viên phải tạo được niềm tin khiến học sinh tin tưởng rằng, những bài học lịch sử không phải là câu chuyện của quá khứ mà chính là câu chuyện của ngày hôm nay và trong tương lai.
Phương pháp giảng dạy môn Lịch sử khô khan, chỉ chạy theo truyền tải kiến thức mà không để học sinh trải nghiệm kiến thức thông qua hoạt động thực tiễn thì các em sẽ cảm thấy nhàm chán môn học này. Nếu cả giáo viên và học sinh được thường xuyên đến tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tiếp cận với những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc một cách đầy đủ thì chắc chắn là thầy cô giáo sẽ có kiến thức, phương pháp giảng dạy thiết thực với thực tiễn và học sinh cũng yêu thích môn học này hơn.
Vì vậy, sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, việc dạy và học cần phải thay đổi căn bản theo hướng tiếp cận, trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, để giới trẻ và đặc biệt là học sinh yêu thích môn Lịch sử, cả xã hội cũng cần có cái nhìn khách quan, nhận thức đầy đủ về môn học này; không nên coi Lịch sử chỉ là môn học phụ, phần học bổ sung cho các kiến thức xã hội khác, môn thi không bắt buộc. Vì trên thực tế, Lịch sử có tác động lớn đến cuộc sống, phẩm chất đạo đức của con người cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước…
PV: Xin cảm ơn ông!./.