Quan tâm đào tạo cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

14:57, 07/05/2015

Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) đòi hỏi có đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Vì vậy, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần thực hiện một cách có hệ thống, từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Ðội ngũ cán bộ quản lý có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông; là một trong những lực lượng trực tiếp góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược và các nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông; là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Theo GS, TSKH Nguyễn Mạnh Hùng (Học viện Quản lý giáo dục), tính đến cuối năm học 2012 - 2013, cả nước có khoảng 15.462 cán bộ quản lý giáo dục làm việc ở cấp bộ, sở, phòng và khoảng 128.245 cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các trường từ mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học...

 

Ðội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chiếm khoảng 10% trong tổng số cán bộ, viên chức ngành giáo dục, trong đó khoảng 18,85% ở giáo dục mầm non; 55% ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 15,3% ở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học; 10,75% ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Ðội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung đủ về số lượng, trình độ đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Phần lớn cán bộ quản lý giáo dục các cấp đều là những giáo viên, giảng viên đã đạt tiêu chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo quy định trong điều lệ, quy chế về các trường học từ mầm non đến đại học.

 

Hiện, các địa phương đã tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và các hoạt động giáo dục theo hướng phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo. Năm học 2013-2014, nhiều địa phương có cách làm hiệu quả trong nâng cao chất lượng cán bộ quản lý như Sở GD và ÐT Hà Tĩnh tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại một số trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh; tỉnh Ðồng Nai bổ nhiệm 128 cán bộ quản lý; Quảng Bình thực hiện đưa vào quy hoạch cán bộ đến năm 2020 gồm 796 cán bộ... nhằm tạo nguồn cán bộ bảo đảm năng lực tốt cho công tác quản lý giáo dục...

 

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó, tính chuyên nghiệp trong việc thực thi công vụ, khả năng tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là trong việc ứng dụng triển khai các phương pháp quản lý giáo dục theo xu thế phát triển của thời đại còn bất cập. Cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương thiếu chủ động, khó khăn trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở do kiến thức và kỹ năng quản lý giáo dục còn hạn chế. Trình độ và năng lực điều hành trong quản lý dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ít vận dụng khoa học quản lý, dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch vào thực tiễn. Ðáng chú ý, kiến thức về pháp luật, tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự và tài chính của đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đôi khi còn lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền. Trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học còn nhiều hạn chế trong việc thu thập và xử lý thông tin trong và ngoài nước về giáo dục và những yếu tố tác động khác.

 

Theo các chuyên gia giáo dục, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý còn bất cập. Trong khi đó, quản lý ở các cơ sở giáo dục vẫn lấy trọng tâm là quản lý việc dạy của thầy và việc học của trò là chính. Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu giáo dục là chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nội dung của từng khâu trong công tác quản lý của các cơ sở giáo dục cần thiết phải được thay đổi một cách căn bản.

 

Ðội ngũ cán bộ quản lý thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hướng chuẩn hóa cần bổ sung kịp thời các kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kỹ thuật quản lý dạy học mới. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có nhiều giải pháp, một trong những giải pháp mang tính quyết định là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, trong đó lực lượng đông đảo nhất là hiệu trưởng các trường phổ thông. Mục tiêu bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo thường được thể hiện trong các nội dung chương trình bồi dưỡng.

 

Từ góc độ quản lý các trường học trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa, TS Nguyễn Vũ Bích Hiền (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng năng lực của hiệu trưởng các trường phổ thông về năng lực tổ chức thực hiện và phát triển chương trình; năng lực lập kế hoạch phát triển nhà trường và năng lực hỗ trợ trong quản lý các trường phổ thông cũng như năng lực quản lý bản thân để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trong khi đó, PGS, TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần bảo đảm thực hiện tốt quy trình đào tạo, bồi dưỡng gồm bốn bước cơ bản là: Xác định nhu cầu; lập kế hoạch; thực hiện kế hoạch và đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

 

Tuy nhiên có một loạt các yếu tố liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình này như thể chế, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng, chương trình tài liệu, giáo viên và năng lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy của cơ sở đào tạo cũng như năng lực và động lực học tập của học viên. Cần xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là bước cơ bản, quan trọng để xác định xem đào tạo, bồi dưỡng cái gì, loại năng lực nào cần và loại nào không cần đào tạo, bồi dưỡng. Cách thức đánh giá nhu cầu đào tạo là dựa trên sự so sánh giữa mức độ thành thạo công việc của cán bộ quản lý giáo dục phổ thông với mức độ quan trọng của công việc mà họ đảm nhận. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải dựa trên thực tế công việc của cán bộ quản lý giáo dục phổ thông và quy trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải bắt đầu từ các bản mô tả công việc của cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

 

Theo Bộ GD và ÐT để thật sự nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cần đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên đã ban hành gắn với việc thực hiện đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học. Thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đồng thời triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Mặt khác, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt là cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo động lực để đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trước yêu cầu đổi mới giáo dục.