Thực chất hay vẫn là biểu hiện của căn bệnh thành tích

15:00, 03/06/2015

Mấy tuần nay, vào dịp kết thúc năm học, các bậc phụ huynh thi nhau đăng tải kết quả học tập của con em mình từ tiểu học đến trung học phổ thông lên Facebook.

Trang thông tin điện tử của các trường cũng đồng loạt cập nhật kết quả học tập của học sinh, nhiều lớp tỷ lệ các em đạt danh hiệu học sinh giỏi lên đến 80- 90%, nhất là ở cấp tiểu học, trung học cơ sở.

 

Đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng bởi những nỗ lực, cố gắng học tập của các em cùng sự quan tâm, dạy dỗ tâm huyết của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thành tích của học sinh có đúng thực chất như kết quả được công bố hay không còn là điều đáng bàn.

 

Những năm gần đây, thực hiện đổi mới giáo dục cũng như phương pháp đánh giá kết quả dạy và học trong các nhà trường, việc lấy kết quả số lượng học sinh đạt loại giỏi để đánh giá năng lực giáo viên đã tác động đáng kể đến tâm lý "ganh đua" của các thầy cô giáo. Mặt khác, khi tuyển sinh đầu cấp, nhiều trường đặt ra yêu cầu học sinh phải có nhiều năm đạt loại giỏi làm điều kiện ưu tiên xét tuyển khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh luôn "nỗ lực" nâng tỷ lệ học sinh giỏi để các cháu chuyển cấp được thuận lợi. Trong khi đó, đánh giá kết quả tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đại học của một số trường hiện nay cũng dựa vào kết quả điểm thi và học bạ. Tâm lý "làm đẹp" học bạ bằng điểm số để tạo lợi thế cạnh tranh trong việc xét tuyển đại học cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những đánh giá thiếu trung thực về năng lực, trình độ học sinh.

 

Chính những phương pháp đánh giá kết quả học tập, xét tuyển đó đã tạo cơ hội cho nhiều trường lớp, bản thân phụ huynh và các em đánh giá không chính xác trình độ, năng lực. Nhiều em năng lực hạn chế, song vẫn bị sức ép của cha mẹ phải tham gia các lớp học thêm, phấn đấu để đạt danh hiệu học sinh giỏi, để đỗ vào trường này, lớp nọ… Thậm chí, có những bậc phụ huynh chọn cách "chăm sóc" thầy giáo, cô giáo để xin nâng điểm với mong muốn con mình sẽ có điểm số đẹp hơn, thuận lợi trong quá trình học tập, rèn luyện tiếp theo... Cá biệt, một số phụ huynh cũng như học sinh còn có biểu hiện ngộ nhận về kết quả học tập của con em mình. Những việc làm đó đã tác động không tốt đến giáo dục, làm cho việc đánh giá kết quả hoạt động giáo dục trong nhà trường không đảm bảo thực chất. Và điều quan trọng hơn, việc chạy theo thành tích ấy về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai.

 

Ba trong 9 nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ:

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học;

- Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục - đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan;

- Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục - đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đánh giá học sinh nếu chỉ vì thành tích thi đua của trường, giáo viên sợ thua kém đồng nghiệp cũng như vì mục đích tuyển sinh thì sẽ rất nguy hiểm cho nền giáo dục, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của người học. Cùng với đổi mới toàn diện ngành Giáo dục trong những năm tới, việc phấn đấu đánh giá kết quả học tập của học sinh ở mỗi cấp học, bậc học đảm bảo nghiêm túc, thực chất là hết sức cần thiết; giúp các bậc phụ huynh cũng như học sinh và các thầy cô giáo thấy rõ được năng lực trí tuệ của con em mình để định hướng giáo dục cho từng đối tượng phù hợp, hiệu quả. Và nói rộng hơn, để chúng ta thấy rõ được nền giáo dục nước nhà đang ở ngưỡng nào, mạnh yếu ra sao và có giải pháp đổi mới hữu hiệu. Mặt khác, khi các trường đánh giá học sinh nghiêm túc, phụ huynh sẽ biết được học lực thực sự của con em mình, từ đó cùng với giáo viên tìm cách giúp các em phát triển trí tuệ phù hợp với năng lực, sở trường. Không chỉ vậy, khi đánh giá chất lượng học sinh chính xác, các em sẽ có ý thức cố gắng hơn trong học tập.

 

Các thầy giáo, cô giáo cũng như các bậc phụ huynh hãy nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc. Nếu ngành Giáo dục tiếp tục mắc căn bệnh “thành tích” thì chắc chắn sẽ "sản sinh" ra các lứa học sinh mang danh hiệu khá, giỏi nhưng kiến thức không thực chất. Các giáo viên khi đánh giá học sinh cần thực hiện tổng hợp trong một quá trình, bao gồm cả kiến thức, năng lực và kỹ năng, tránh đánh giá chỉ dựa vào bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Các bậc phụ huynh cũng cần xác định thực chất khả năng học tập của con em mình, từ đó định hướng phát triển phù hợp; không vì thành tích mà quá kỳ vọng hoặc tìm cách tác động đến việc đánh giá của giáo viên.