Những ngày cuối năm, từng đợt không khí lạnh tràn về, sương mù phủ trắng núi rừng, vùng rẻo cao Võ Nhai chìm trong giá rét. Nhưng để biết con chữ, những đứa trẻ nơi đây vẫn miệt mài đến trường, dù đường xa gập ghềnh, lớp học tạm bợ, chưa có ánh điện…
Mưa càng lúc càng dày và nặng hạt khiến thời tiết đã lạnh càng trở nên tê tái hơn. Xe máy của chúng tôi nhọc nhằn lăn bánh trên con đường lổn nhổn sỏi đá, đoạn thì sình lầy, đoạn lại phải dắt bộ qua suối. Cách điểm trường chính hơn 4km, Bản Chấu là phân trường gần nhất của Trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai). Phân trường nằm trên một quả đồi nhỏ, muốn sang được phải lội qua suối. Để giúp các em học sinh qua suối dễ dàng hơn, người dân nơi đây đã xếp từng phiến đá lớn làm cầu tạm. Cô Trần Thị Nhíp, giáo viên đã có thâm niên cắm bản ở đây cho biết: Mùa này, dù mưa rét nhưng học sinh vẫn qua suối được. Còn vào mùa lũ, nước suối dâng cao, chúng tôi phải cho các em nghỉ học cả tuần… Được biết, phân trường Bản Chấu hiện có 5 lớp học (mỗi lớp là một khối), 5 giáo viên và 31 học sinh; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn (lớp học tạm bợ, nền đất, mái lợp bằng lá cọ, tấm prôximăng, tường là những mảnh tre ghép tạm). Vào những ngày mùa đông như thế này, mưa hắt, gió lùa khiến nền đất nhầy nhụa. Người dân ở đây đa phần là bà con dân tộc Tày, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự tuyên truyền, vận động tích cực của các thầy, cô giáo, những năm gần đây, người dân đã cho con em mình đi học đầy đủ. Chứng kiến cảnh nhọc nhằn, thiếu thốn của các thầy, cô giáo và học sinh nơi đây, các câu lạc bộ (CLB) Xây trường tặng em, Từ thiện Phước Hạnh, Phúc Thiện Tâm đã phối hợp hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 phòng học trị giá trên 300 triệu đồng. Hiện công trình đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Không chỉ ở xã Sảng Mộc, mà theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Võ Nhai, hiện trên địa bàn huyện còn hơn 10 phân trường của 6 xã mà các em học sinh vẫn phải học trong những lớp học tạm bợ, như: Phân trường Tiểu học, Trung học cơ sở Đông Bo (xã Tràng Xá); Thượng Kim, Hạ Kim, Ngọc Sơn (xã Thần Sa); Làng Mười (xã Dân Tiến)…
Khác với Bản Chấu, hai phân trường ở bản Khuổi Chạo (cũng của xã Sảng Mộc) đã có các phòng học kiên cố, nhưng đường vào đây xa và khó khăn hơn. Dù đã được lắp đặt đường điện, nhưng đến nay điện vẫn chưa về đến bản, ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy, học tập của cô và trò. Mùa hè nóng, có quạt mà không có điện để dùng. Mùa đông, sương giăng kín, tối tù mù không nhìn được, nhiều khi phải cho các em nghỉ sớm. Các thầy, cô giáo đa phần nhà xa, nên phải ở nội trú, nhưng sinh hoạt hàng ngày rất vất vả, thiếu thốn. Đây là phân trường có số lượng học sinh, giáo viên đông nhất gồm: 7 giáo viên, 49 học sinh, đa phần là con em dân tộc Dao.
Cuộc sống vùng cao thiếu thốn đủ bề, nhất là điều kiện sinh hoạt và giảng dạy. Sách vở và đồ dùng học tập của các em đều thiếu. Thường thì các em phải học chung sách giáo khoa, ghi chung vở. Có em đến lớp không có bút, vở để viết. Có em học sinh lớp 1 đến lớp không mang đúng môn học vì bố mẹ không biết chữ, không soạn theo thời khóa biểu. Song các em rất ngoan, nhanh nhẹn và luôn thể hiện niềm khát khao muốn được học chữ. Cô Trần Thị Dậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sảng Mộc cho biết: Ngoài điểm trường chính, Trường Tiểu học xã Sảng Mộc có 3 điểm trường là: Bản Chấu, Khuổi Chạo, Nà Lay, với tổng số 186 học sinh, 34 cán bộ, giáo viên. Hoc sinh tại các điểm trường đa phần là học sinh dân tộc Tày, Dao.
Thật khó để kể hết những vất vả khó khăn của giáo viên và học sinh nơi đây. Nhưng cả thầy và trò đều nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm bám trường, bám lớp hy vọng về một tương lai tươi sáng.