Ngày 5-12, tại Trung tâm Học liệu, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tổ chức chương trình Hội thảo về việc xây dựng chuẩn đầu ra ngoại ngữ và hệ thống giải pháp để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của các trường đại học, cao đẳng.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc và Tây Bắc cùng đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Trung Quốc tại Việt Nam; đại diện Hội đồng Anh và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Minh, Phó Giám đốc ĐHTN khẳng định: “Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, đặc biệt là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt vào cuối năm 2015, vai trò quyết định của ngoại ngữ đối với việc gia tăng tính cạnh tranh của lực lượng lao động trẻ Việt Nam cần được nâng cao hơn. Chính vì vậy phải cập chuẩn và nâng chuẩn, mới có thể hội nhập”. Việc triển khai Đề án 2020 “Chuẩn hóa dạy và học ngoại ngữ Quốc gia” trong những năm qua đã thực sự tạo chuyển biến trong nhận thức xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án vẫn còn bất cập về giảng viên, giáo viên cũng như sinh viên, nhất là cập chuẩn nhưng vẫn chưa tiệm cận đến nhu cầu tuyển dụng lao động.
Hội thảo đã nhận được gần 30 bài viết của các chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Hầu hết các đại biểu cho rằng, việc đổi mới tư tưởng học ngoại ngữ không chỉ đơn thuần là thông qua việc tuyên truyền, mà phải tạo được môi trường học tập thực sự để sinh viên tự nhận thấy việc học ngoại ngữ là nhu cầu cấp thiết, bắt buộc để hội nhập với thế giới, là nhu cầu của cá nhân chứ không phải chỉ thực hiện yêu cầu của trường học. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng được các trường đưa ra như: Giải pháp thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ; việc triển khai thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 đối với sinh viên chuyên ngữ; nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường quốc tế ngay tại trường…
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia và giáo viên ngoại ngữ từ các trường khu vực Đông Bắc và Tây Bắc trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng để nâng cao hiệu quả việc giảng dạy, đồng thời đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên để đáp ứng về chuẩn đầu ra và nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.