Lạm phát… học hàm, học vị

10:00, 11/12/2015

Anh là giáo sư xịn, danh chính, ngôn thuận theo đúng nghĩa. Có thể “lượng hóa” được chất lượng học hàm, học vị, vì anh không phải là giáo sư không có học trò và không phải là “tiến sĩ giấy”.

Bởi vì bạn tôi: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được chọn đi nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Về nước đã làm ông giáo đại học hơn 20 năm, có thể giảng dạy, truyền đạt kiến thức bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Có hai đầu sách riêng và viết chung một số giáo trình, nghiên cứu, chuyên  khảo... Thời xưa bọn tôi học, ai là học sinh tố nghiệp đại học loại giỏi mới được chuyển tiếp học cao học ở trong nước hoặc người may mắn hơn sẽ được đi nước ngoài.

 

Nhân lần họp lớp đại học, tôi có cuộc đối thoại mi ni với người trong cuộc là anh bạn tôi - hiện đang giữ chức Phó giám đốc một học viện về thực trạng... “lạm phát” giáo sư, tiến sĩ và chất lượng học hàm, học vị hiện nay.

                                                               ***

- Ông có thấy hơi bị oan khi người ta vơ đũa cả nắm nói đến chất lượng học hàm, học vị bây giờ không còn “thiêng”?

 

- Cũng thấy buồn, chuyện thế thời, nhiều khi nghe người ta giới thiệu mình là giáo sư, tiến sĩ cũng cảm thấy thiếu tự tin vì chưa chắc được xã hội trọng thị như xưa!

 

- Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 24 nghìn tiến sĩ, hàng trăm nghìn thạc sĩ, khoảng 10 nghìn giáo sư, số người có học hàm, học vị thuộc nhóm đứng đầu thế giới (tỷ lệ so với dân số). Người có khiếu hài hước còn gọi là “lạm phát” học vị, học hàm có đúng không?

 

- Câu ấy ông tự trả lời, khi xưa tôi và ông học tại một trường đại học lớn, nhưng số giáo sư, tiến sĩ không nhiều, thầy nào có học hàm, học vị là những người có kiến thức hàn lâm, uyên thâm, sâu, rộng!

 

- Giáo sư nhiều, tiến sĩ nhiều nhưng có một sự nghịch lý là hàng năm số bài báo khoa học (đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế và khu vực)...  không nhiều bằng một trường đại học tư nhân ở Thái Lan!

 

- Xã hội ta bị “hội chứng” sính bằng cấp. Cách đây hàng chục năm, Giáo sư toán học Hoàng Tụy (có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học được quốc tế thừa nhân, tôn vinh) đã có lần nhận xét: Chỉ khoảng 20% số người có học hàm, học vị Việt Nam là thực sự có chất lượng. Như vậy nghĩa là 80% còn lại là không chất lượng, chỉ là danh ảo, tự sướng!

 

- Một nghịch lý nhỡn tiền, nhiều tài liệu cho rằng chỉ có khoảng  trên 30 % giáo sư, tiến sĩ là làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, còn lại hầu hết công tác ở các cơ quan đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể...

 

- Thực tế là các cơ quan không phải trường học và viện nghiên cứu chỉ cần người cán bộ, công chức thực thi tốt nhiệm vụ chứ đâu có cần giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ!

 

- Nhiều nơi đang có phong trào “công chức hóa học vị” điều khôi hài là cái học vị của hầu hết những “trí thức tầm cao” ấy lại không liên quan gì đến công việc họ đang làm...!

 

 -Theo lý mà suy, học là để phục vụ công việc mới thiết thực, khi anh đã đạt được một ngưỡng bằng cấp cao hơn thì chất lượng công việc của anh phải tỷ lệ thuận với học vị... nhưng hình như chất lượng công việc không được cải thiện vì rất nhiều người đi học trái nghề đang làm!

 

- Ngày xưa nghe ông nọ, ông kia là tiến sĩ, thạc sĩ thấy danh giá, ngưỡng mộ, bây giờ thiên hạ nhìn họ khác lắm, thực hư không biết đâu mà lần, nhiều giá trị bị đảo lộn, xin lỗi những người học thật, làm thật!

 

- Một số người danh xưng một cách hỗn loạn, bắt người khác giới thiệu, hoặc tự giới thiệu cho oai, mặc dù chỉ làm quản lý hoặc cán bộ ở một cơ quan không liên quan đến nghiên cứu, đào tạo mà cũng danh xưng, giới thiệu học hàm, học vị... những từ ngữ ấy vang lên cả trong họp hành, xã giao!

 

- Tiến sĩ là gì? Người có học vị này hiểu đơn giản chỉ là người được đào tạo kiến thức chuyên sâu sau khi học song đại học, hoàn thành luận án ở một lĩnh vực chuyên môn cụ thể (hẹp) nào đó (Ở Việt Nam có những giai đoạn thời phong kiến thí sinh nào vượt qua các kỳ thi một cách xuất sắc đó là thi Hương, thi Hội, thi Đình được vua phong là tiến sĩ).

 

- Ông là giáo sư, đã tu nghiệp ở nước ngoài, họ có nhiều giáo sư, tiến sĩ như nước ta không?

 

- Gần 8 năm ăn bánh mì Tây, theo tôi được biết người có học hàm, học vị là họ phải gắn với môi trường công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, không phong hàm, đào tạo học vị tùm lum như ở ta... Tuy nhiên có một số cá biệt không tham gia giảng dạy nhưng vẫn được phong giáo sư đặc cách vì họ là những người có các công trình nghiên cứu khoa học, những phát minh nổi tiếng, được các trường mời giảng dạy và phong học hàm!

                                                                   ***

Gặp bạn, hai người có một cuộc hàn huyên về nhân tình thế thái về học hàm học vị. Sau cuộc đối thoại mi ni này, trước khi ông bạn chia tay về Hà Nội, tôi nói vài lời chân thành:

 

- Tôi là người ngoại đạo đã lạm bàn về học hàm, học vị... xin lỗi bạn tôi và xin lỗi những nhà giáo, nhà khoa học đích thực đã phấn đấu học tập, nghiên cứu, giảng dạy đạt được học hàm, học vị đích thực!



Website thi thử ielts online miễn phí