Việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành y, dược và dự kiến điểm xét tuyển vào năm học tới là 20 điểm khiến dư luận phản ứng. Điều đáng lo ngại là, trước đó, đã có hàng loạt trường đại học đa ngành, gồm cả trường công lập và ngoài công lập mở ngành đào tạo thuộc khối y, dược, mức điểm chuẩn đầu vào cũng chỉ bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên cùng với việc siết chặt các quy định về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất thí nghiệm, thực hành... thì cần có điểm sàn riêng cho các trường này để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 20 trường đại học đào tạo nhân lực ngành y, dược; 35 trường cao đẳng y, dược, 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau đại học. Trong mùa tuyển sinh năm nay, điểm trúng tuyển vào các trường như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP HCM, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược Hải Phòng… đều từ 23 điểm đến 28 điểm.
Trong khi đó, một số trường ngoài công lập, đào tạo đa ngành, điểm tuyển sinh ngành y, dược chỉ ở mức điểm sàn hoặc trên mức điểm sàn không đáng kể. Đơn cử như Trường Đại học Đại Nam, Đại học Lạc Hồng, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Tây Đô, Đại học Thành Đô,... điểm xét tuyển các ngành thuộc khối y, dược chỉ từ 15 đến dưới 20 điểm. Thực tế này cho thấy đang có sự chênh lệch rất cao giữa điểm xét tuyển của các trường đại học chuyên ngành y, dược và các trường ngoài công lập, trường đa ngành có đào tạo y dược.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, khi điểm “đầu vào” có sự chênh lệch, thì chất lượng sản phẩm đào tạo không đồng đều nhau giữa các trường là điều tất yếu. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù quy mô đào tạo ngành y, dược trong những năm vừa qua tăng nhưng chất lượng đào tạo lại có nhiều bất cập. Điều này có một phần nguyên nhân do quy mô đào tạo lớn trong khi cơ sở vật chất của nhiều trường không đảm bảo, chất lượng “đầu vào” thấp:
Trong vấn đề nhân lực thì có 3 yếu tố quy mô, cơ cấu và chất lượng. Đôi khi quy mô tác động ảnh hưởng đến chất lượng. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ điều chỉnh lại Thông tư 57 về xác định quy mô tuyển sinh. Mặt bằng tuyển sinh hiện nay theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo là xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng chung cho tất cả các ngành. Nếu đã áp dụng như vậy thì cũng cần áp dụng ngưỡng tuyển sinh, điểm ngưỡng tuyển sinh riêng cho khối y, dược, thậm chí là cho từng ngành trong lĩnh vực y dược.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Y Hà Nội cho biết, trong đào tạo bậc đại học nói chung và ngành y, dược nói riêng, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định đó là chất lượng “đầu vào”.
“Đầu vào” tốt cũng là một tiêu chuẩn rất quan trọng về phía sinh viên. Trong trường chúng tôi có 2 hệ, hệ bác sỹ và hệ cử nhân. Những em sinh viên có điểm “đầu vào” tốt, cùng học một môn học, thì kết quả tốt hơn rất nhiều so với những em có điểm “đầu vào” thấp. Tuy nhiên, có thể một số em “đầu vào” chưa thực sự tốt, nhưng có môi trường đào tạo tốt. Thứ 2 là tính tự học của sinh viên rất cao, cũng có thể sinh viên đó chất lượng “đầu ra” tốt. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận chung là những em có “đầu vào” tốt là những em có độ thông minh cao”- bà Nguyễn Thị Yến nói.
Đào tạo nhân lực lĩnh vực y, dược là ngành đặc thù, cần có vốn đầu tư lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành... Việc các trường đa ngành, ngoài công lập tham gia đào tạo nhân lực ngành y, dược cũng là hình thức xã hội hóa, nhằm tăng cường nguồn nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Về nguyên tắc, trường đại học nào đáp ứng đủ các điều kiện của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Y tế thì được phép mở ngành. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định điểm xét tuyển riêng cho nhóm ngành y, dược để đảm bảo chất lượng “đầu vào” tương đồng ở tất cả các trường.
Ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội nêu ý kiến:
“Chìa khóa ở đây theo tôi nghĩ là vẫn được cấp phép, vẫn được đào tạo nhưng phải có quy định điểm đầu vào ở một trình độ nào thì mới được vào. Theo tôi, đối với những ngành quan trọng như ngành y, ngành dược, điểm chuẩn đó phải ở mức giỏi, từ 7,5 điểm một môn trở lên mới vào được. Bởi vì chương trình đào tạo dù có tốt đến mấy, giáo viên có tốt đến mấy, phương tiện giảng dạy có tốt đến mấy nhưng năng lực người học kém thì sau mấy năm đào tạo ra, sản phẩm cũng không đạt chất lượng mong muốn”.
Cũng theo các chuyên gia, trong khi các trường chưa xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, cơ quan quản lý chưa có hệ thống kiểm định chất lượng cho từng ngành nghề, thì việc quy định điểm xét tuyển đối với ngành y, dược là một trong những giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nếu vẫn để tình trạng cùng đào tạo y dược, nhưng điểm “đầu vào” ở mỗi trường một kiểu như hiện nay thì chắc chắn sẽ gây hậu quả rất lớn, vì đối tượng phục vụ trực tiếp của ngành y, dược chính là tính mạng và sức khỏe con người./.