Những ngày gần đây, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức công bố những thông tin quan trọng trong quy chế tuyển sinh 2016, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã bắt đầu công khai thông tin về tuyển sinh năm 2016. Câu chuyện tuyển sinh lại thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội.
Năm nay Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục thực hiện duy nhất một kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia thay thế cho 2 kỳ thi (tốt nghiệp và ĐH) như trước đây; kết quả sẽ được sử dụng để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét vào ĐH. Nhiều nhược điểm của năm trước sẽ được khắc phục. Đối với thí sinh dự thi với mục đích xét tuyển ĐH thì dựa vào yêu cầu của trường ĐH, cao đẳng cũng như ngành của trường yêu cầu xét tuyển những môn gì thì học sinh sẽ chỉ phải đăng ký số môn thi cho đủ để phù hợp với việc xét tuyển; không bắt buộc thi các môn thi tốt nghiệp (nếu đã tốt nghiệp) và không giới hạn số lượng môn đăng ký.
Năm nay, học sinh sẽ không phải nộp hồ sơ tại trường. Mỗi em có mã đăng ký riêng. Các em đăng ký online hay qua bưu điện chỉ cần ghi mã đó, không cần hồ sơ lích kích như trước, vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho phụ huynh và thí sinh. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức cụm thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, cao đẳng nhằm giảm đáng kể lượng thí sinh phải di chuyển ra cụm thi tập trung ở các thành phố như năm trước. Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh theo hướng vừa tăng quyền tự chủ cho các trường, vừa cố gắng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Đây là phương án được đưa ra, sau khi đã rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm 2015.
Ở kỳ tuyển sinh năm trước, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi chỉ được gửi vào một trường khiến trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường (dù sau đó có thể thay đổi nguyện vọng rút ra, nộp vào). Nhà trường giảm ảo hoàn toàn, nhưng quyền lợi của thí sinh không đảm bảo. Vì vậy, phương án tuyển sinh năm 2016 sẽ vừa tăng quyền tự chủ cho nhà trường, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Khắc phục việc rút nộp hồ sơ gây lộn xộn như năm trước, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt I sẽ được nộp ở 2 trường, mỗi trường 2 ngành; các đợt tiếp theo được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Phương án này tất yếu sẽ dẫn đến tỷ lệ ảo lớn hơn nhiều so với các năm. Vì thế, năm nay Bộ sẽ cùng các trường bàn giải pháp kỹ thuật để xử lý tỷ lệ ảo khi không còn giới hạn số nguyện vọng của thí sinh.
Thực hiện phương châm đổi mới, tự chủ trong giáo dục ĐH, những năm qua Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, những con số nêu trên cho thấy sự nghịch lý khi nhiều trường truyền thống, có thương hiệu, uy tín cũng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tốt lại giảm quy mô; trong khi những trường có điều kiện kém hơn lại tăng. Điều đó cho thấy tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo. Tình trạng chạy theo quy mô đào tạo, ít quan tâm đến chất lượng xảy ra ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhân lực được đào tạo trình độ ĐH trở lên thất nghiệp gia tăng. Mới đây, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới hơn 225 nghìn người có trình độ ĐH nhưng đang bị thất nghiệp.
Vấn đề đặt ra với giáo dục ĐH ở nước ta đòi hỏi có sự điều chỉnh quy mô, cơ cấu tuyển sinh hợp lý. Cần có sự kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm thường xuyên, tránh tình trạng nhiều trường vì mục tiêu lợi nhuận, đã tự ý tăng quy mô, không phù hợp với năng lực đào tạo. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh không thể chỉ dựa trên số giảng viên và cơ sở vật chất mà cần lấy kết quả khảo sát hiệu quả tìm kiếm việc làm thực thụ của sinh viên đã tốt nghiệp làm điều kiện đánh giá năng lực, xác định chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh của các trường. Việc công bố chuẩn đầu ra phải gắn với giám sát quá trình đào tạo chứ không thể để trường nào cũng công bố chuẩn nhưng sinh viên ra trường vẫn không đáp ứng yêu cầu việc làm, thất nghiệp hàng loạt.
Mặc dù quy chế tuyển sinh năm nay đã có điều chỉnh phù hợp hơn so với năm trước, song chỉ mình ngành GD-ĐT vào cuộc thì khó có thể đổi mới, đẩy lùi tiêu cực. Nhiều vấn đề giáo dục đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là những việc liên quan tới nội dung đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử. Rất có thể, những tình huống khó lường khác lại xuất hiện trong mùa thi cử, tuyển sinh ĐH năm nay. Ngành đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc vi phạm của chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục các cấp thì mới có thể đạt hiệu quả cao trong đổi mới công tác thi cử, tuyển sinh ĐH.
Năm nay, các trường sẽ gia tăng việc xét học bạ những môn trường xét tuyển, làm điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển, làm cơ sở để xét thẳng vào trường. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, học sinh cần phấn đấu học tốt để lấy điểm tổng kết từng học kỳ cao hơn, tránh học tủ, học lệch.
Xã hội phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao. Sinh viên tốt nghiệp phải có năng lực làm việc thực sự, đáp ứng nhu cầu thực tiễn mới có thể kiếm được việc làm, được xã hội công nhận chứ không phải cứ đào tạo, cấp bằng xong là các trường hết trách nhiệm. Bởi vậy, nếu các trường ĐH chỉ vì nguồn thu trước mắt mà không chú ý đến chất lượng, vội tìm cách tăng chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh dẫn đến người học thất nghiệp sẽ bị xã hội phản ứng, không thể phát triển bền vững. Các trường cần nghiên cứu, chủ động đổi mới trong việc phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng nguồn nhân lực để hiểu họ cần gì; tránh tình trạng đào tạo một đằng, nhu cầu một nẻo.