Quy chế tuyển sinh đại học thay đổi tác động đến thí sinh ra sao?

15:10, 19/02/2016

Thí sinh người dân tộc thiểu số phải sống tối thiểu 18 tháng trong thời gian học phổ thông ở xã khu vực 1 mới được hưởng đối tượng khu vực 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/2/2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

 

Điểm mới của quy chế là các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.

 

Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.

 

Quy định như vậy để tránh có trường tuyển thí sinh không đủ ở phương thức này lại dồn chỉ tiêu sang cho phương thức khác đã xảy ra như năm 2015.

 

Năm nay, học sinh sẽ không phải nộp hồ sơ tại trường. Mỗi em có mã đăng ký riêng. Các em đăng ký online hay qua bưu điện chỉ cần ghi mã đó, không cần hồ sơ lích kích như trước vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho phụ huynh và thí sinh.

 

Khắc phục việc rút nộp hồ sơ gây lộn xộn như năm 2015, năm nay thí sinh ở đợt đăng ký xét tuyển đợt I sẽ được nộp ở 2 trường mỗi trường 2 ngành. Các đợt tiếp theo các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.

 

Đối với các trường xét tuyển theo nhóm như các đại học quốc gia, các đại học vùng, các trường tổ chức xét tuyển theo nhóm để tránh ảo các em đăng ký trong các ngành của nhóm trường này. Nếu trường xét tuyển riêng thì chỉ được 2 nguyện vọng 2 ngành.

 

Trong nhóm thì các em được đăng ký các ngành của nhóm trường đó, ví dụ em muốn học 2 ngành kinh tế của 2 trường kinh tế trong nhóm đó thì đăng ký được, không khống chế phải cùng một trường như trước.

 

Năm nay khi quy định mỗi học sinh có 2 nguyện vọng ở 2 trường có thể xảy ra ảo. Vì vậy,các trường cần quy định thời gian nhận Giấy báo kết quả thi của thí sinh. Mỗi em chỉ có 1 giấy này và chỉ sử dụng khi làm thủ tục nhập học.

 

Ví dụ các trường quy định trong thời gian từ 5-7 ngày phải nộp giấy này (bản gốc) để khẳng định các em học trường đó. Quá hạn trên xem như các em không chấp nhận vào học ở trường đó và trường sẽ gọi bổ sung tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

 

Năm nay, Bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn hoặc bằng trước, các trường có thể chủ động ngưỡng xét đầu vào phù hợp, tránh trường nào cũng điểm sàn trở lên gây lộn xộn cho khâu xét tuyển, gây phức tạp.

 

Chế độ ưu tiên cũng sẽ khắc phục nhầm lẫn năm 2015, tránh tình trạng thí sinh hiểu không đúng, đăng ký khu vực và đối tượng tư tiên không đúng, có em từ đạt thành rớt.

 

Điều chỉnh ưu tiên khu vực trong tuyển sinh

 

Theo Dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh ưu tiên về khu vực tuyển sinh. Cụ thể: Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

 

Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

 

Các trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú, gồm: Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học trung học phổ thông) trên 18 tháng tại các xã khu vực 3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nếu học trung học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.

 

Khu vực 2 gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc khu vực 1).

 

Về ưu tiên đối tượng: Dự thảo Thông tư này nêu rõ: Đối tượng 01. Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại Khu vực 1 quy định tại điểm c) khoản 4 Điều 7 của Quy chế này (gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành).

 

Điểm xét tuyển được làm tròn đến 0,25

 

Trong xét tuyển sinh: Đối với các trường: Tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25.

 

Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD-ĐT.

 

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường Dự bị đại học được giao về trường...), Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.

 

Cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; kết thúc mỗi đợt xét tuyển, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển đồng thời báo cáo về Bộ GD-ĐT.

 

Các trường đại học, cao đẳng các trường thành viên của Đại học Quốc gia, Đại học vùng nếu tổ chức xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của Quy chế này. Ngoài ra, đề án cần quy định rõ: trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm; phương thức đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường trong nhóm.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, quy định đối tượng ưu tiên theo khu vực sẽ được quy định thêm: thí sinh người dân tộc thiểu số phải sống tối thiểu 18 tháng trong thời gian học phổ thông ở xã khu vực 1 mới được hưởng đối tượng khu vực 1. Trước đây ta không có quy định này. Các em sống bất kỳ đâu, chỉ cần dân tộc thiểu số là hưởng khu vực 1 sẽ không công bằng với em thiểu số, sống ở vùng khó khăn.

 

Về khu vực, năm nay quy định rõ hơn, các em khu vực 1 có thể học ở 1 trường phổ thông không phải xã địa phương mình mà có thể học bất kỳ một trường nào ở nơi chứa 1 xã khu vực 1 thì các em được hưởng ưu tiên khu vực 1. Như vậy các em rất rõ, không nhầm lẫn như năm ngoái, gây hiểu nhầm, khai không đúng.

 

Lý giải vì sao Bộ GD-ĐT vẫn giữ mức điểm chênh lệch ưu tiên là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề cho thí sinh trong khi điểm của thí sinh đã làm tròn đến 0,25, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT đã tham khảo ý kiến Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan hữu quan và nhận được đề nghị giữ nguyên không thay đổi mức điểm ưu tiên này vì còn nhiều thí sinh ở các vùng khó khăn, cuộc sống chưa được nâng cao. Thay đổi như vậy không công bằng cho các em.

 

Trước đây đã có đề nghị rút mức điểm chênh lệch xuống 0,5 nhưng như vậy sẽ  thiệt thòi cho đối tượng dân tộc, vùng khó khăn./.