Về cơ bản, kỳ thi năm nay vẫn giữ ổn định so với năm 2015, chỉ có một số thay đổi trong tổ chức cụm thi và thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ngày 3-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 1 đến 4-7. Số lượng môn thi, hình thức ra đề, cấu trúc đề thi, đăng ký dự thi, xét công nhận tốt nghiệp... vẫn giữ ổn định như năm ngoái. Thay đổi lớn nhất trong cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay là tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều sẽ có cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì.
Tùy theo tình hình cụ thể mà từng địa phương quyết định có tổ chức thêm cụm thi tốt nghiệp hay không. Năm ngoái, trên toàn quốc chỉ có 38 cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thay đổi thứ hai liên quan đến công tác xét tuyển. Thời gian xét tuyển của đợt 1 sẽ rút xuống còn 12 ngày; mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Trong các đợt xét tuyển tiếp sau, thời gian mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Đặc biệt, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn lọc những ý kiến đóng góp của toàn xã hội trong tổ chức thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay nhằm hướng đến khắc phục được những bất cập trong kỳ thi và tuyển sinh năm 2015.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Đây là một bước cải tiến trong những nỗ lực đổi mới kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc phân bổ các cụm thi hợp lý hơn và công tác coi thi có sự tham gia của nhiều trường đại học hơn thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho những cụm thi lớn, để các em đến cụm thi thuận lợi và gần nhất. Công tác tổ chức thi năm vừa rồi nhìn chung cũng còn một số bất cập của cụm thi. Cũng có các em ở gần cụm thi Hà Nội nhưng lại thi ở cụm thi xa”.
Dù đồng tình với việc bố trí cụm thi dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhưng ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng: “Theo tôi, không nên và không cần phân ra làm 2 nhóm thi là quốc gia và không quốc gia ở đây. Là vì bất kể là dạng đề ra như vậy, làm được đến mức nào thì đỗ tốt nghiệp và đến mức nào thì được xét tuyển cao đẳng, đại học vì chuyện học cao đẳng, đại học hoặc học nghề là quyền của mọi con người. Và nếu phân ra 2 nhóm như vậy, 1 nhóm quốc gia, 1 nhóm địa phương thì dễ cho người ta lầm tưởng là ở địa phương chỉ đạo không sâu, không sát, xem nhẹ về quy chế, chỉ có quốc gia là đàng hoàng. Tự nhiên là tạo ra sự phân biệt không đáng có ở trong chuyện này”.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, những thay đổi này chủ yếu là về mặt kỹ thuật trong khâu tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, hầu như không ảnh hưởng đến việc học, ôn tập của học sinh.
Đây là điều đáng mừng để học sinh yên tâm học tập và chuẩn bị cho kỳ thi này. Tuy nhiên, do đề thi dùng chung cho cả thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và thí sinh dự thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng nên cần đảm bảo vừa sức với học sinh./.