Dành trọn tâm huyết với nghề

08:51, 01/04/2016

“Đối với tôi, hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm ở ngành Giáo dục là đã đóng góp sức mình cho sự phát triển của ngành học Mầm non của tỉnh nhà. Sự nỗ lực phấn đấu của tôi trong suốt hơn 30 năm công tác xứng với niềm tin yêu, kính trọng của các giáo viên, nhà trường, đồng nghiệp, sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên”-  Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Loan, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (GDMN), Sở Giáo dục & Đào tạo).

Quá trình công tác, chị Nguyễn Thị Loan liên tục đạt danh hiệu: Lao động giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đảng viên xuất sắc, nữ công 2 giỏi cấp tỉnh, cán bộ quản lý điển hình. Với những thành tích đã đạt được, chị được UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ… tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia…

Cơ duyên để chị Nguyễn Thị Loan đến đến với nghề giáo cũng giống bao học trò khác. Đó là trong quá trình đi học, chị luôn mơ ước trở thành cô giáo mầm non. Tình yêu với nghề giáo cũng bắt đầu từ đó. Tốt nghiệp THPT, chị nộp hồ sơ thi vào Trường Trung cấp nuôi dạy trẻ Trung ương. Càng học chị lại càng thấy yêu nghề và xác định đây là “nghiệp” của mình. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp chị được phân công về làm việc ở Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh. Công tác tại đây một thời gian ngắn, sau khi sáp nhập vào Sở Giáo dục & Đào tạo, chị điểu chuyển về Phòng GDMN của Sở.

 

Quá trình làm chuyên viên của Phòng GDMN, trong các chuyến công tác thực tế tại các nhà trường chị càng thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên mầm non. Trò chuyện cùng chúng tôi chị nói như tâm sự: “Cách đây 5-7 năm, hầu hết các trường mầm non của các huyện trên địa bàn tỉnh cơ sở vật chất còn thiếu. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội còn một số hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các xã vùng miền núi còn cao, nhận thức của các phụ huynh không đồng đều dẫn đến khó khăn trong công tác vận động cho trẻ đi học đúng độ tuổi cũng như công tác xã hội hóa trong giáo dục. Trước thực tế khó khăn của cơ sở, tôi đã cùng Phòng tham mưu với lãnh đạo Sở tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho các trường mầm non vùng khó khăn. Đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua tích cực bồi dưỡng theo chuyên đề về chuyên môn; phát động các phong trào thi đua thiết thực trong ngành học để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thông qua các hoạt động này đã giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, được chăm sóc, nuôi dưỡng phát triển toàn diện. Trong quá trình công tác tôi luôn khắc phục khó khăn về bản thân, gia đình nỗ lực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sau khi học đại học, tôi tiếp tục học cao học và từ thực tiễn cơ sở suy nghĩ, tìm tòi để có nhiều sáng kiến đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng công tác quản lý và giảng dạy. Năm 2011, tôi và đồng chí Phó trưởng phòng đã xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý nuôi dưỡng dùng cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Phần mềm này được triển khai rộng rãi trong tất cả các trường mầm non và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cũng trong năm này, tôi được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trao giải Nhì trong cuộc thi về chủ đề Bình đẳng giới…”.

 

Sau nhiều nỗ lực trong công tác, năm 2006, chị được bổ nhiệm làm Phó phòng GDMN và năm 2011 làm Trưởng phòng. Với cương vị là Trưởng phòng chị phối hợp với đồng nghiệp tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Giáo dục để trình UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các văn bản, chính sách của TW, của tỉnh đối với lĩnh vực GDMN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể việc thực hiện Thông số 11/2009/TT-BGD&ĐT về việc chuyển đổi loại hình GDMN từ bán công sang công lập. Từ việc thực hiện hiệu quả Thông tư 11, 100% các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang công lập và đồng nghĩa với nó là trên 4.000  giáo viên hợp đồng được tuyển vào trong biên chế Nhà nước. 100% giáo viên được đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định của Nhà nước (hiện nay toàn tỉnh có 226 trường mầm non trong đó có 215 trường công lập và 11 trường mầm non ngoài công lập). Đặc biệt là việc thực có hiệu quả Quyết định 239/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phổ cập giáo GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, cá nhân chị Loan tham mưu cho Sở Giáo dục & Đào tạo trình UBND tỉnh ban hành trên 20 văn bản phục vụ công tác Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Từ sự tích cực tham mưu này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND thông qua chương trình Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí thực hiện trên 400 tỷ đồng. Sau 4 năm phấn đấu quyết liệt thực hiện, tháng 6-2014, Thái Nguyên đã cán đích trước kế hoạch 1 năm tỉnh đề ra và trở thành tỉnh 21 trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi chị giãi bày: “Công việc thì nhiều, trong khi cả phòng chỉ có 4 cán bộ chỉ đạo cấp học, đặc thù 100% là nữ, vì thế nếu không nỗ lực cao khó có thể hoàn thành khối lượng công việc được giao. Đi sớm, về muộn là việc thường ngày do đó hầu hết những ngày thứ bẩy, chủ nhật mình vẫn tranh thủ lên cơ quan để làm việc. Vì thế, 10 năm liền cấp học mầm non của tỉnh luôn dẫn đầu trong khối thi đua Vùng I, được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng hoàn thành xuất sắc các chỉ số thi đua GDMN. Phòng GDMN được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”.

 

Nhận xét về chị, thầy giáo Hoàng Văn Thể, Trường Mầm non xã Tân Đức, huyện Phú Bình khẳng định: “Chị Loan đúng là nghìn người phụ nữ mới có một. Miệng nói tay làm, cánh đàn ông theo chị còn khó. Tôi được tiếp xúc với chị khá nhiều lần đó là trong các cuộc kiểm tra tại trường, tập huấn chuyên môn, thi giáo viên dạy giỏi… Tôi thấy chị luôn gần gũi, chân thành với anh em. Về lĩnh vực chuyên môn chị là người thầy luôn khuyến khích, góp ý chân tình để các giáo viên tiến bộ”.

 

Đúng như khẳng định của thầy giáo Hoàng Văn Thể, trao đổi cùng chúng tôi Th.s Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Tôi có hai giai đoạn khác nhau làm việc với chị Loan, đó là cách đây hơn 1 năm khi tôi còn là Trưởng phòng Giáo dục huyện Đại Từ qua nhiều lần làm việc, tôi nhận thấy chị Loan rất tâm huyết, sâu sát với cơ sở, được cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non đánh giá rất cao. Về năng lực chuyên môn chị là bậc thầy về lĩnh vực GDMN. Khi tôi được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục phụ trách ngành học Mầm non, tôi nhận thấy chị là người có tư duy chiến lược và tham mưu cho lãnh đạo ngành rất hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ năm học, cũng như các chính sách đối với ngành học này. Các nhiệm vụ được phụ trách chị điều hành thực hiện hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều năm liên tục các chỉ tiêu về ngành học mầm non đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên. Tạo tâm thế tốt để các cháu mầm non bước vào bậc học cao hơn”.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi chị tâm sự: Ngay khi chọn nghề tôi đã xác định làm việc với niềm đam mê và vì uy tín nghề nghiệp. Hạnh phúc nhất của tôi là trọn đời cống hiến với ngành Giáo dục, được các giáo viên, đồng nghiệp, lãnh đạo tin yêu, kính trọng và đóng góp công sức của mình cho ngành học mầm non ngàng càng phát triển...