Dạy học tích hợp, liên môn - Hiệu ứng từ thực tế

15:34, 08/06/2016

Nằm trong lộ trình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh (HS) trên tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), sau khi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên đáp ứng mục tiêu đổi mới, trong đó tăng cường năng lực dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn”. Thực tế sau 4 năm học, ngành Giáo dục tỉnh triển khai phương pháp này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là phát triển năng lực của HS.

Dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu dạy học phát triển năng lực HS, đòi hỏi phải tăng cường yêu cầu HS vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Khi giải quyết một vấn đề trong thực tiễn, bao gồm cả tự nhiên và xã hội, đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học.

 

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Cao Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép cho biết: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT triển khai dạy học theo hướng tích hợp, Nhà trường đã quán triệt đến toàn thể đội ngũ giáo viên, HS; giao cho các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện căn cứ vào phân bố chương trình. Dạy học tích hợp là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học. Nếu như chủ đề đơn môn chỉ là kiến thức thuộc về một môn học nào đó thì liên môn đề cập đến kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thì không có gì khác biệt. Điều quan trọng là dạy học nhằm phát triển năng lực HS đòi hỏi phải tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho HS, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong và ngoài lớp, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

 

Thực tế tại một số nhà trường chúng tôi nhận thấy đối với giáo viên khi mới thực hiện dạy học tích hợp, liên môn gặp một số khó khăn do việc phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Tổ trưởng Tổ Hóa - Sinh, Trường THPT Gang Thép: Khó khăn này chỉ là bước đầu và có thể sớm khắc phục được. Thực tế trong quá trình dạy học môn học của mình, để bài giảng sâu, giáo viên phải biết khai thác các tư liệu có liên quan đến các môn học khác để đưa vào tiết dạy. Mặt khác, để đổi mới phương pháp dạy học thì giáo viên không còn là người truyền thụ kiến thức mà chỉ là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của HS cả ở trong và ngoài lớp học. Vì vậy, giáo viên các bộ môn liên quan có điều kiện và chủ động hơn trong sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong dạy học.

 

Còn theo cô giáo Lâm Nguyễn Thu Hiền, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh: Về thực chất thì không có nhiều khó khăn cả về kiến thức lẫn phương pháp dạy học. Cụ thể như môn Địa lý để giúp HS học tốt thì phải vận dụng hiệu quả những kiến thức của các môn học khác như: Sinh học, Lịch sử… Lật giở đề tài “Tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường trong một số bài học môn Địa lý lớp 10” mà cô Hiền soạn giảng chúng tôi nhận thấy, những phương pháp tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường được đưa vào trong một số bài học môn Địa lý lớp 10 là phương pháp đàm thoại gợi mở, sử dụng các phương tiện trực quan (sử dụng bản đồ, tranh ảnh, băng hình cung cấp tri thức cho học sinh) cuối cùng là nêu cũng như giải quyết vấn đề. Phương pháp này không chỉ giúp HS kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, đồng thời còn đi sâu, tìm hiểu bản chất hiện tượng của môi trường tự nhiên, nhân tạo; hiểu mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với môi trường, những vấn đề nảy sinh do các hoạt động của con người gây ra với môi trường những nguy cơ tiềm ẩn mà con người ngày càng phải thực hiện.

 

Vì đây là chủ trương mới nên trong công tác chuẩn bị giáo án của giáo viên vất vả hơn, song đổi lại là hiệu quả trong giảng dạy mang lại được đánh giá là rất cao. Theo em Trịnh Ngọc Nguyên, HS lớp 12A7 Trường THPT Chu Văn An: Học các chủ đề tích hợp, liên môn, chúng em được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Các chủ đề tích hợp, liên môn có tính thực tiễn nên giờ học rất sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú trong học tập đối với HS. Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho HS không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn. Còn theo em Hoàng Thị Đào, lớp 12A3, Trường THPT Bắc Sơn (Phổ Yên): Nhà trường triển khai việc dạy học theo hướng tích hợp, liên môn, chúng em rất hào hứng. Cụ thể như các bài học về môn văn học thì đều có sự liên thông kiến thức của môn lịch sử, địa lý, chúng em hình dung ra mỗi một trào lưu văn học gắn với giai đoạn lịch sử nhất định. Từ đó chúng em khắc sâu ghi nhớ môn học tốt hơn.

 

Sau gần 4 năm học triển khai thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn, theo quan sát của chúng tôi, các nhà trường đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Điều đó cũng đã được minh chứng qua cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợpvới số lượng đề tài và chất lượng đã được nâng lên. Từ kết quả thực tế triển khai của các nhà trường thời gian qua cho thấy, đội ngũ cán bộ, giáo viên, HS đã rất nỗ lực tích cực đổi mới, đây sẽ là tiền đề thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay.

Nếu như năm học 2012-2013 - Năm đầu tiên ngành Giáo dục tỉnh tổ chức cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp toàn tỉnh có 90 bài của cán bộ, giáo viên các trường phổ thông dự thi cấp tỉnh, thì năm học 2013-2014 nâng lên 364 bài và năm học này 2014-2015 con số tăng lên gần gấp đôi 630 bài dự thi. Nếu như 2 năm học 2013-2014; 2014-2015, toàn tỉnh có 19 bài thi đạt giải cấp Quốc gia (6 giải Ba và 13 giải Khuyến khích) thì năm học 2015-2016, số bài đạt giải Quốc gia tăng lên 21 bài (1 Nhất, 3 Nhì, 7 giải Ba và 10 giải Khuyến khích).