Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn nhất trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc. Trước sự toàn cầu hóa, tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của thế giới đương đại, ngoại ngữ có lẽ là thứ không thể thiếu trong hành trang của mỗi người trên chặng đường hội nhập với quốc tế…
Xu thế toàn cầu hóa mà biểu hiện rõ rệt nhất là sự hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Đó không chỉ là hợp tác về kinh tế mà còn là sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia nên việc hiểu biết ngoại ngữ dần trở thành hướng vận động chung của dân cư thế giới. Trong khu vực, năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, cho phép tự do di chuyển lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động có tay nghề của các nước ASEAN tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới để đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các nước trong khối, cải thiện thu nhập và tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân, trong đó có Việt Nam. Như vậy, khi đó ngoại ngữ sẽ là tấm vé “thông quan” của lao động trong khu vực, việc thông thạo ngoại ngữ là xu thế tất yếu và bắt buộc nếu muốn làm việc với đối tác nước ngoài ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhiều trung tâm ngoại ngữ thu hút hàng nghìn học viên. Trao đổi với chúng tôi, thầy Đàm Trung Thành - Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Thành Lộc, T.P Thái Nguyên cho biết: “Hiện tại, trung tâm chúng tôi có khoảng 250 học viên đang theo học với 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn và trong đó học viên tiếng Anh chiếm đa số”. Bên cạnh đó, tại Đại học Thái Nguyên, Trung tâm phát triển nguồn lực Ngoại Ngữ hiện đang mở các khóa đào tạo và thi chứng chỉ Anh ngữ quốc tế là TOEIC, KET, PET, FCE và CAE và phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học liên quan đến việc dạy, học, sử dụng ngoại ngữ nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh hiện nay theo khảo sát đa số đều có cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo, phương pháp dạy học độc đáo, hiện đại và đặc biệt chú trọng nghiên cứu, áp dụng phương pháp của phương Tây. Với đội ngũ giảng viên có trình độ ngoại ngữ cao, đa số có kinh nghiệm học tập làm việc tại nước ngoài nhiều năm, cùng sự tham gia giảng dạy của nhiều giảng viên nước ngoài đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Trao đổi trực tuyến với chúng tôi, cô Nguyễn Thu Hương, giảng viên Tiếng Anh, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: “Ở Đức hay các nước phát triển, Anh ngữ là ngôn ngữ thứ 2 được dạy trong nhà trường. Nếu coi ngoại ngữ như một niềm đam mê, thì việc học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.
Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng nhìn chung khả năng ngoại ngữ của người Việt còn hạn chế, theo tổ chức Giáo dục Quốc tế Education First đã công bố chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu EF EPI năm 2015 thì chỉ số của Việt Nam đứng ở mức trung bình là 29/70 quốc gia với chỉ số là 53,81%. Kỹ năng ngoại ngữ là chìa khóa để phát triển của một quốc gia, bản thân việc học ngoại ngữ thể hiện rất rõ xu thế hội nhập của mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ cho thanh thiếu niên nói chung và sinh viên tỉnh Thái Nguyên nói riêng trước tiên là phải hình thành ý thức được tầm quan trọng của việc này, sau đó mới là xây dựng các mô hình, loại hình học tập, sử dụng ngoại ngữ phù hợp với các đối tượng sinh viên, phân loại từng nhóm đối tượng để có phương pháp dạy phù hợp và quan trọng hơn cả là tạo môi trường thuận lợi để thanh thiếu nhi học tập ngoại ngữ. Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ là công cụ để tiếp nhận khoa học công nghệ để làm giàu cho đất nước và là kim chỉ nam cho sự thành công của mỗi người.