Tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đang là sức ép rất lớn cho ngành Giáo dục - Đào tạo của T.X Phổ Yên. Đặc biệt là tình trạng quá tải ở bậc học mầm non và tiểu học. Đây là bài toán khó đòi hỏi chính quyền địa phường và ngành chức năng tập trung tìm lời giải.
Trường Mầm non Hồng Tiến 1 là một trong những ví dụ điển hình về sự quá tải. Trong khuôn viên chỉ rộng 1.200m2, Nhà trường đang có 12 lớp học với 400 trẻ. Chị Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Tiến 1 cho biết: Cao điểm nhất là năm học 2015-2016, chúng tôi tiếp nhận 436 cháu, có lớp quy mô lên tới hơn 50 cháu. Nhà trường đã phải sử dụng cả phòng âm nhạc, sửa chữa và cải tạo khu nấu ăn để làm phòng học. Người đứng đầu Nhà trường tâm tư: Số dân trên địa bàn tăng nhanh, gồm cả công nhân tại Khu công nghiệp Yên Bình khiến nhu cầu gửi trẻ cũng tăng theo. Là trường công lập, không tiếp nhận trẻ không được, mà nhận hết thì khó đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho trẻ. Vì số lượng học sinh quá đông, nên ngoài chỉ tiêu biên chế của ngành cho phép là 22, Trường Mầm non Hồng Tiến 1 phải thuê thêm 10 hợp đồng, gồm 6 cô giáo đứng lớp và 4 cô nuôi. Lương chi trả cho số lượng hợp đồng lấy từ nguồn xã hội hoá phụ huynh đóng góp và tiết kiệm chi của trường.
Ông Nguyễn Viết Đinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến thông tin: Để giải quyết tình trạng quá tải, xã đã vận động một số hộ gửi con, cháu sang các trường của phường Bãi Bông. Một tin vui là T.X Phổ Yên đã phê duyệt chủ trương xây dựng mới Trường Mầm non Hồng Tiến 1 tại cánh đồng Trầm, thuộc xóm Chùa với diện tích gần 10.000m2. Giai đoạn 1 của dự án có mức đầu tư gần 20 tỷ đồng đang thực hiện các bước giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, công trình nhà lớp học 2 tầng 10 phòng của Trường Tiểu học Hồng Tiến cũng đang gấp rút hoàn thành để đáp ứng nhu cầu học tập của con em ở địa phương.
Đối với Trường Mầm non Ba Hàng, việc có thêm một phân trường nữa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ trên địa bàn. Chị Đặng Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Từ đầu năm học 2016-2017, chúng tôi có thêm một phân trường gồm 4 phòng học tại tổ dân phố 4, phường Ba Hàng. Đây vốn là trường mầm non cũ đã bỏ không mấy năm được cải tạo, sửa chữa lại khang trang. Tại đây đang tiếp nhận hơn 100 trẻ. Tính tổng số Nhà trường hiện có 15 lớp, với gần 470 cháu từ độ tuổi gửi trẻ đến mẫu giáo, quy mô trung bình ở mỗi lớp khoảng 30 cháu.
Theo thống kê của ngành Giáo dục - Đào tạo T.X Phổ Yên, trên địa bàn hiện có 71 cơ sở giáo dục trực thuộc, trong đó có 26 trường mầm non, 28 trường tiểu học và 17 trường THCS. Việc thu hút một một lượng lớn lao động ở nơi khác đến sinh sống và làm việc đã dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều trường, nhất là bậc học mầm non. Riêng năm học 2016-2017, tổng số học sinh củathị xã tăng thêm gần 1.500 em so với năm học trước. Để đáp ứng về cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã rà soát, thống kê các công trình cũ, xuống cấp để có phương án cải tạo sửa chữa; các trường trong danh sách quá tải được ưu tiên đầu tư xây mới. Tính từ đầu năm tới nay, đã có 14 công trình nhà lớp học được xây mới, với tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Các trường trong diện quá tải được đầu tư mở rộng diện tích, xây thêm phòng học là mầm non Ba Hàng, Hồng Tiến, Đồng Tiến, Thành Công 1, 2; làm thủ tục tách hai trường mầm non Vạn Phái và Đồng Tiến 1. Đồng thời, thị xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục phát tiển để giảm đi áp lực quá tải. Hiện trên địa bàn T.X Phổ Yên có 2 cơ sở giáo dục mầm non tư thục là Trường Mầm non tư thục Sao Mai và Mầm non tư thục Yên Bình đã được cấp phép đi vào hoạt động ổn định.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Quan điểm của thị xã là ưu tiên các nguồn lực dành cho giáo dục. Hằng năm, Phổ Yên đều bố trí khoảng 70% vốn ngân sách của thị xã để đầu tư sửa chữa, xây mới trường lớp học. Cùng với cơ sở vật chất, để giải quyết tình trạng quá tải, Thị xã quan tâm đến việc tuyển dụng đúng và đủ số lượng giáo viên theo nhu cầu thực tế tại các trường; thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng quản lý và giáo dục của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục. Một giải pháp quan trọng nữa cần nhắc đến là phân luồng học sinh, nhất là bậc học mầm non. Tránh tình trạng tập trung đăng ký ở các trường trung tâm, có cơ sở vật chất tốt hơn. Tại một số xã, phường chịu áp lực lớn về số lượng đăng ký học ở bậc mầm non và tiểu học có thể định hượng để người dân đăng ký cho con em mình học ở các địa phương lân cận.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn T.X Phổ Yên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên mức độ quá tải trường lớp học trên địa bàn trong mấy năm gần đây tăng không nhiều. Về lâu dài, giải pháp chủ yếu mà thị xã hướng tới là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển các cơ sở giáo dục tư nhân, khuyến khích xã hội hoá để hạn chế tối đa sự quá tải trong giáo dục.