Mùa Thu năm 1966, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc) được hình thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ hai bàn tay trắng, không trường lớp, không nhà cửa, hơn chục thầy, cô giáo được cử lên từ một số trường đại học ở Hà Nội và gần 100 sinh viên khóa 1 đã không quản ngày đêm đào đất, chặt tre, xẻ ván... xây dựng cơ sở vật chất. Cuộc sống và học tập trong hoàn cảnh thời chiến khó khăn về mọi mặt nhưng thầy và trò vẫn tìm được cách dạy - học phù hợp, đạt hiệu quả. Giữa rừng xanh vẫn vang tiếng giảng bài và đêm đêm vẫn rộn ràng tiếng đàn ca của thầy và trò với hành khúc: “Hãy đi xa, hãy bay xa...”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, tiền tuyến gọi lên đường. Và thế là chia tay: Người đi - người ở. “Lính sinh viên” Văn khoa có người đã ra đi và mãi mãi không về. Người ở lại dạy và học thay phần người ra đi. Kết thúc chặng đường 10 năm đầu “khai sơn phá thạch”, Khoa Ngữ văn đã nỗ lực vượt khó đi lên và vui mừng thu hoạch những lứa quả mùa đầu: 551 giáo viên Ngữ văn ra trường, cung cấp cho các trường sư phạm và phổ thông.
Chiến tranh kết thúc, trong điều kiện chồng chất khó khăn của những khủng hoảng thời kỳ hậu chiến, Khoa Ngữ văn vẫn duy trì được số lượng tuyển sinh ổn định; vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Đứng chân trong bão tố, thầy trò Khoa Ngữ văn vẫn vững niềm tin, hướng tương lai cùng cả nước vượt qua những thách thức của thời cuộc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ dạy - học. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thời kỳ này đã lên đến hàng nghìn, kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo đà cho giáo dục - đào tạo phát triển. Khoa Ngữ văn kịp thời “đón gió” và chuyển lên “đường ray” mới, dù vẫn còn không ít khó khăn cả về tinh thần và vật chất. Ý thức cao về những đòi hỏi của thực tiễn trong thời kỳ mới, nhiều giảng viên Khoa Ngữ văn đã “khăn gói” lên đường về Thủ đô học tập nâng cao trình độ. Đến những năm cuối của thế kỷ XX, Khoa đã có một tiềm lực tạm đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gồm cả đào tạo đại học chính quy, chuyên tu, tại chức, vừa học vừa làm, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài... Đặc biệt, sự liên kết đào tạo sau đại học của Khoa Ngữ văn với các trường, viện ở Hà Nội (từ năm 1992) đã cho thấy tầm vóc ngày càng lớn mạnh của Khoa.
Bước sang thiên niên kỷ mới, cùng với cả nước, Khoa Ngữ văn bước vào một thời kỳ sôi động, khẩn trương. Số lượng giảng viên có trình độ cao của Khoa tăng nhanh. Tính đến năm học này, Khoa đã có 7 PGS-TS, 19 TS, 6 Ths - NCS và 9 Ths, thuộc tốp đầu của Trường về tỷ lệ giảng viên có trình độ cao.
Đến nay, Khoa Ngữ văn đã mở được 2 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Ngữ văn, 3 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Uy tín của Khoa được đánh giá cao không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã vươn ra tầm quốc tế; hoạt động giao lưu hợp tác liên kết đào tạo cả trong và ngoài nước phát triển mạnh. Trong nước, Khoa hợp tác đào tạo với gần hai chục tỉnh, cả miền xuôi và miền núi. Ngoài nước, Khoa cũng liên kết đào tạo có hiệu quả với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Campuchia...
Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên của Khoa luôn chú trọng cả hai mảng hoạt động: giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). Khoa Ngữ văn đã thực hiện trên 150 đề tài NCKH các cấp, công bố hơn 500 bài báo trên các tạp chí quốc gia và quốc tế, số sách và giáo trình được xuất bản trên 100 cuốn. Hoạt động NCKH của sinh viên Khoa Ngữ văn được Nhà trường đánh giá cao. Trong 10 năm qua, Khoa đã triển khai thực hiện gần 500 đề tài khoa học cho sinh viên, trong đó có 17 đề tài đạt “Giải thưởng Sinh viên NCKH toàn quốc” (2 giải Nhất, 3 giải Nhì và nhiều giải Ba, giải Khuyến khích).
Hiện nay, quy mô đào tạo của Khoa Ngữ văn khá lớn. Thường xuyên có trên 1.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu tại Khoa. Số lượng tuyển sinh của Khoa hằng năm ổn định với khoảng hơn 50 học viên hệ đào tạo sau đại học và trên dưới 200 sinh viên đại học. 50 năm qua, Khoa đã đào tạo 6.387 Cử nhân Sư phạm Ngữ văn hệ chính quy, 4.469 Cử nhân sư phạm Ngữ văn hệ không chính quy, 746 thạc sĩ, 26 tiến sĩ. Trong số đó có khoảng 1/3 sinh viên là người dân tộc thiểu số. Uy tín và “thương hiệu” của Khoa Ngữ văn đã được khẳng định thông qua chất lượng nguồn nhân lực mà Khoa đào tạo ra.
Từ “chiếc nôi” Khoa Ngữ văn, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, giữ những vị trí cấp cao trong hệ thống quản lý của Đảng và Nhà nước. Nhiều vị hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng sư phạm, giám đốc (hoặc nguyên giám đốc) các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã từng là sinh viên Khoa Ngữ văn. Nhiều cựu giảng viên và sinh viên của Khoa đã và đang là những cán bộ quản lý văn nghệ, là hội viên tích cực của các hội văn nghệ Trung ương và địa phương... Hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ trưởng thành từ ngôi nhà Khoa Ngữ văn đã trở thành các trưởng phòng, tổ trưởng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo bộ môn, và hàng trăm nghìn giáo viên đứng lớp trong những điều kiện nhiều khó khăn thách thức nhưng tất cả đều tận tụy, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để chung tay góp sức vào sự nghiệp chung.
Với truyền thống đoàn kết nhất trí, tương thân tương ái; với ý thức trách nhiệm cao về nghề nghiệp cùng sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong hành trình nửa thế kỷ qua, có thể tự tin khẳng định rằng, Khoa Ngữ văn đã và sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa dân tộc, tạo đà cho đất nước bước vào thời kỳ mới: Hội nhập với thế giới để ngày càng vươn cao, vươn xa.
Với những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trong suốt chặng đường 50 năm qua, Khoa Ngữ văn đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành trao tặng, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Việt Nam, Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội sinh viên Việt Nam...