Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo

11:09, 20/11/2016

Bối cảnh thế giới những năm đầu thế kỷ 21 đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ nhà giáo trên cơ sở thay đổi bản chất của lao động sư phạm là quá trình tác động bằng chính nhân cách người dạy, để giáo dục hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học. Bắt kịp với xu thế trên, toàn ngành giáo dục đang đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (NG và CBQLCSGD) đủ năng lực thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT).

Hiện nay, cả nước có hơn một triệu giáo viên (GV) và khoảng 300 nghìn cán bộ QLGD các cấp. Trong đó, giáo viên mầm non có 98,3% đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo; tiểu học 99,9% đạt chuẩn và trên chuẩn; THCS 99,49% đạt chuẩn và trên chuẩn; THPT 99,49% đạt chuẩn và trên chuẩn.

 

Triển khai việc xây dựng đội ngũ NG và CBQLCSGD, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch và tạo môi trường làm việc phát huy chủ động sáng tạo của đội ngũ NG. Rà soát mạng lưới, quy mô và phương thức đào tạo của các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới... Việc tôn vinh, đãi ngộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với NG và CBQLCSGD các cấp được thực hiện thiết thực, hiệu quả.

 

Đáng chú ý, công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ NG và CBQLCSGD mầm non, phổ thông đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện, nhất là tích cực phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo GV trong công tác xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách nhà nước, học bổng... Bộ GD và ĐT triển khai, rà soát, hoàn thiện các chuẩn và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ NG và CBQLCSGD các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành. Về cơ bản đội ngũ NG và CBQLCSGD được bảo đảm về đời sống vật chất, tinh thần, yên tâm công tác với nghề; phần lớn đều đạt và trên chuẩn trình độ đào tạo, có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

 

Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở một số cấp học, trong khi một số lượng nhất định GV chưa đạt chuẩn đào tạo (5,3% GV nhà trẻ, 1,4% GV mẫu giáo, 0,23% GV tiểu học, 0,51% GV THCS và 0,51% GV THPT). Kỹ năng sư phạm của một bộ phận GV còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ GV có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học còn rất thấp. Việc triển khai đánh giá GV và CBQLCSGD theo chuẩn nghề nghiệp, thực hiện bồi dưỡng thường xuyên chưa phản ánh đúng thực chất. Việc nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, thi GV giỏi vẫn còn có hiện tượng gò ép, thực hiện còn hình thức.

 

Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, cần phải thực hiện những giải pháp:

 

Với cá nhân các GV: Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp, thực hiện tốt việc tự học, tự bồi dưỡng và tham gia tích cực các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng của cơ quan quản lý các cấp.

 

Với UBND các tỉnh, thành phố: Tiến hành rà soát việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý viên chức ngành giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng và bồi dưỡng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ NG bảo đảm có đủ năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ quản lý giáo dục, GV, nhân viên hoặc bố trí, sử dụng không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo và không đúng chuẩn.

 

Với Bộ GD và ĐT: Cần phối hợp các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về công tác phát triển đội ngũ NG và CBQLCSGD một cách tích cực, chủ động, linh hoạt để đạt kết quả cao nhất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và quản lý đội ngũ giáo viên, nhân viên của các địa phương để có phương án chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có vi phạm. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất, nhất là chú trọng các năng lực nghề nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh), Tin học cho đội ngũ NG và CBQLCSGD. Triển khai hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và một số đề án khác; đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ NG và CBQLCSGD đang công tác tại vùng sâu, vùng xa...

 

Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT hỗ trợ các trường sư phạm chủ động, tích cực tái cấu trúc và tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng; nâng cao năng lực đào tạo bồi dưỡng NG và CBQLCSGD; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển chương trình, tổ chức liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý; có được một hệ thống các cơ sở đào tạo chuẩn hóa, có chất lượng ngang bằng với các nước trong khu vực ASEAN.

 

Toàn ngành có biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội liên quan đến đội ngũ NG và CBQLCSGD, tạo động lực để họ yên tâm cống hiến. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng tấm gương điển hình về các NG tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, có đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục; huy động toàn xã hội hỗ trợ, chia sẻ, động viên kịp thời, thiết thực các NG về cả vật chất và tinh thần.