Khắc phục một số bất cập trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng

08:09, 21/12/2016

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khối ngành đào tạo giáo viên năm 2017, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tuy có nhiều điểm mới và đã khắc phục một số bất cập, tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng Dự thảo vẫn gây ra những băn khoăn trong dư luận.

Những điểm mới đáng chú ý

 

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 đưa ra phương án có năm bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân - đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý - đối với giáo dục thường xuyên). Trong đó, môn Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, môn Ngữ văn thi tự luận. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi bốn bài, gồm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn Khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học xã hội (KHXH).

 

Thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi ba bài, gồm hai bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi do thí sinh tự chọn (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh được chọn dự thi cả hai bài thi (KHTN và KHXH), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Nội dung thi năm 2017 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 THPT.

 

Đối với công tác tuyển sinh năm 2017 dự kiến sẽ không quy định số nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) như những năm trước đây (năm 2016, đợt một thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng vào hai trường) mà thí sinh được đăng ký tối đa nguyện vọng theo mong muốn. Mặt khác, thay vì ĐKXT sau khi đã biết điểm thi, năm 2017, thí sinh sẽ đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh vẫn có thể thay đổi nguyện vọng đã đăng ký để chọn ngành, trường học yêu thích, phù hợp với điểm số đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng một là nguyện vọng cao nhất).

 

Việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Đáng chú ý, trong tuyển sinh năm 2017, Bộ GD và ĐT không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn). Dự thảo quy chế chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường tự chủ quy định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh. Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh.

 

Tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc

 

Ngay sau khi hai Dự thảo quy chế nêu trên được công bố đã có nhiều ý kiến phân tích khác nhau về những điểm mới. Học sinh Hoàng Thảo Anh, lớp 12D0, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Hình thức thi năm 2017, thí sinh phải học, thi nhiều môn hơn. Trong khi đó, học sinh Nguyễn Quang Huy, Trường THPT Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho rằng: Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh cần nắm được kiến thức bao quát hơn thay vì tập trung sâu về một vấn đề. Chị Trần Nguyệt Anh có con học lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết cảm giác khá lo lắng về cách thức thực hiện, vì kỳ thi thay đổi liên tục, quá gấp gáp trong việc thay đổi hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm, trong khi học sinh chưa thật sự thích nghi.

 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhìn nhận: Dự thảo quy chế phù hợp với thực tiễn hiện nay, các trường có thể thực hiện được. Tuy nhiên, thi trắc nghiệm đặt ra hai vấn đề cần giải quyết: Đó là những môn lần đầu đưa vào thi trắc nghiệm, chưa quen như: Lịch sử, Địa lý, Toán, Giáo dục công dân cho nên giáo viên vất vả. Nhà trường hiện đang khó khăn trong việc ra đề, mặc dù rất cố gắng nhưng mới chỉ đáp ứng được 50% số đề trắc nghiệm theo yêu cầu trong thi học kỳ I. Vì vậy, đề nghị Bộ GD và ĐT tiếp tục ra đề thi minh họa để giáo viên có căn cứ xây dựng thêm đề thi, nhất là phần phân hóa để có điều chỉnh phù hợp trong cách dạy, cách học.

 

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu Hoàng Đức Minh, Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 nhìn chung tốt. Tuy nhiên, với yêu cầu phần lớn các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, ông cũng có nhiều băn khoăn.

 

Về tuyển sinh cũng có những băn khoăn về tình trạng “ảo”, đăng ký nhiều nguyện vọng có thể dẫn đến vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích: Điều quan trọng là khi đăng ký, thí sinh phải xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển sẽ tránh được “ảo”. Thực tế năm 2016, đợt một cho thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng nhưng nhiều em cũng không đăng ký hết số lượng nguyện vọng của mình, nhất là những em điểm cao. Đối với thí sinh điểm vừa phải sẽ đăng ký nhiều nguyện vọng là điều thuận lợi nâng cao khả năng trúng tuyển ngay từ đợt một, không phải chờ đợi mệt mỏi, căng thẳng.

 

PGS, TS Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam cho rằng, “Việc lo lắng đăng ký nhiều nguyện vọng gây ra tình trạng “ảo” là không cần thiết vì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được bằng công cụ tin học để loại trừ”. Tuy nhiên, ông Phức cũng thận trọng cho rằng: Quá trình triển khai không thể tránh khỏi giai đoạn đầu có việc nọ, việc kia nhưng không phải vì thế mà không làm. Mặt khác, rõ ràng việc tăng số nguyện vọng làm cho quyền được lựa chọn của thí sinh tăng lên.

 

Đối với vấn đề không sử dụng “điểm sàn” chung, theo PGS, TS Hoàng Minh Sơn, quy định của Luật Giáo dục ĐH, tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, cho nên Bộ GD và ĐT không quy định “điểm sàn” là phù hợp với xu thế tự chủ ĐH. Mặt khác, nhiều trường ĐH đã xét tuyển theo học bạ THPT một số năm vừa qua thì “điểm sàn” có hay không đều không có ý nghĩa gì nữa. Thực tế công tác tuyển sinh cho thấy, thí sinh những năm gần đây rất ý thức được chất lượng các trường đào tạo ra sao. Nhiều thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên nhưng vẫn không đăng ký vào học những trường không như mong muốn hoặc những trường chất lượng chưa tốt.

 

Đối với các trường vẫn cần giữ uy tín của mình chứ không có chuyện “vơ bèo vạt tép” để lấy điểm tuyển sinh xuống thấp. TS Lê Viết Khuyến (Trường ĐH Bình Dương) cho rằng: Đối với quy định “điểm sàn” theo thông lệ chung của thế giới về mặt nhà nước là không có. Hàng loạt các trường ĐH của Mỹ, Trung Quốc hay Thái-lan… đều không đòi hỏi điểm thi vào ĐH mà chỉ cần tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với thực tiễn ở Việt Nam, ông Khuyến cảnh báo, khi bỏ “điểm sàn” cần đặt ra vấn đề kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, tránh xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh lộn xộn. Trong đó, cần kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường; không thể để các trường tự định ra chỉ tiêu thiếu căn cứ.

 

Cần căn cứ vào điều tra sinh viên tốt nghiệp. Thí dụ chỉ tiêu năng lực đào tạo của ngành nào đó là 300 nhưng điều tra sinh viên tốt nghiệp chỉ đáp ứng được 100 thôi thì phải rút chỉ tiêu xuống còn 100. Bộ GD và ĐT đã có quy định các trường phải công bố điều tra sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Việc các trường tự công bố thì vẫn có thể làm sai lệch, cho nên cần có cơ chế giám sát chặt chẽ của Bộ GD và ĐT, đồng thời cần có giám sát xã hội (như giám sát của báo chí, giám sát của phụ huynh…) và đòi hỏi các trường phải công khai, minh bạch.

 

Theo Thứ trưởng GD và ĐT Bùi Văn Ga, việc quy định “điểm sàn” chung không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng như hiện nay. Mặt khác, thực hiện quyền tự chủ, tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín… mà các trường sẽ có những quy định đầu vào khác nhau. Bộ GD và ĐT đã yêu cầu các trường báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng nhằm kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH cả quá trình đào tạo chứ không chỉ riêng đầu vào.

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khuyên thí sinh mặc dù không giới hạn nguyện vọng nhưng không vì thế mà các em không tính toán, cân nhắc kỹ khi thực hiện đăng ký. Các em cần nhớ quy định trong đợt xét tuyển chính, mỗi em chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể (theo danh sách các nguyện vọng mà các em đã đăng ký). Vì thế, các em nên suy nghĩ thật kỹ khi chọn trường, ngành nào mình yêu thích nhất để đăng ký nguyện vọng cao.