Tham vấn Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia

13:43, 20/12/2016

Ngày 20/12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn “Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia” với sự tham gia của đại diện các trường đại học, Viện có đào tạo về lĩnh vực y tế.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Quyết định số 1981/QĐ-TTG của Chính phủ ngày 18/10/2016 về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã nêu rõ một số nội dung liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực y tế như: Trình độ trung cấp có thể tiếp nhận người tốt nghiệp trung học cơ sở; trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo từ 2-3 năm; trình độ đại học từ 3-5 năm (hiện nay đào tạo các ngành bác sỹ đều là 6 năm)... Đồng thời, Quyết định số 1982/QĐ-TTG của Chính phủ về Khung trình độ quốc gia cũng xác định 8 bậc trong Khung (gồm: bậc 1- sơ cấp I, bậc 2- sơ cấp II, bậc 3- sơ cấp III, bậc 4- trung cấp, bậc 5- cao đẳng, bậc 6- Đại học, bậc 7- Thạc sỹ và bậc 8- Tiến sỹ); trong đó, qui định người tốt nghiệp đại học tối thiểu 150 tín chỉ có chuẩn đầu ra tương tương trình độ bậc 7 được công nhận trình độ tương đương bậc 7 (trong lĩnh vực y tế có dược sỹ và bác sỹ). Quyết định này cũng nêu rõ Bộ Y tế phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của từng ngành đào tạo; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của từng ngành, trình độ đào tạo...

 

PGS.TS. Trương Mạnh Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội cho biết: Đào tạo Răng hàm mặt trên thế giới được thực hiện ở tất cả các bậc học từ năm 1840. Bác sỹ Răng hàm mặt được đào tạo từ 5-8 năm để thực hành khám, điều trị dự phòng các bệnh lý về răng hàm mặt tại các cơ sở công lập và tư nhân; nghiên cứu khoa học và có thể tiếp tục học sau đại học (trở thành các chuyên gia).

 

Tại Việt Nam, đào tạo răng hàm mặt được chia ra thành các cấp: Trung cấp (điều dưỡng nha khoa), cao đẳng (kỹ thuật viên nha khoa), cử nhân (cử nhân phục hồi răng), đại học (bác sỹ Răng hàm mặt), sau đại học (Thạc sỹ và Tiến sỹ). Đối với đào tạo sau đại học riêng Việt Nam có thêm loại hình đào tạo bác sỹ chuyên khoa I và bác sỹ chuyên khoa II, bác sỹ nội trú bệnh viện. Đặc biệt, nước ta có duy nhất một mã ngành là răng hàm mặt.

 

Viện trưởng Trương Mạnh Dũng đề xuất: Thời gian tới, để mô hình đào tạo về răng hàm mặt đạt hiệu quả hơn nữa, các cơ sở nên mở rộng hình thức điều dưỡng vệ sinh răng miệng, điều dưỡng nha khoa với các hình thức đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học; tiếp tục đào tạo kỹ thuật viên phục hình răng với các hình thức đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học...

 

Về đào tạo dược sỹ, PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: Dược sỹ có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, dược sỹ có vai trò to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất ra thuốc có chất lượng tốt; phân phối, hướng dẫn thầy thuốc lựa chọn thốc đúng cho người bệnh, hướng dẫn bệnh nhân và cộng đồng sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng có hại của thuốc với người dùng thuốc.


Các nước, các khu vực khác nhau thì nhân lực dược được đào tạo theo các chương trình khác nhau; được phân bố nghề nghiệp, chuẩn năng lực và điều kiện được hành nghề khác nhau. Cụ thể như: tại Anh, thạc sỹ dược được đào tạo 4 năm; tại Trung Quốc cũng được đào tạo 4 năm chỉ được cấp bằng cử nhân dược; tại Việt Nam, Lào sau 5 năm đào tạo được cấp bằng dược sỹ...

 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Mô hình đào tạo và bằng cấp của bác sỹ đa khoa và kỹ thuật y theo trình độ; mô hình đào tạo và bằng cấp của y tế cộng đồng; dự thảo kế hoạch triển khai Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia.../.