Giành 13 huy chương (1 Vàng, 4 Bạc, 8 Đồng), được Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng Cờ đơn vị miền núi xuất sắc - đó là kết quả của Đoàn Thái Nguyên tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX. Kết quả trên đã minh chứng cho tinh thần thể thao, sự đầu tư của các trường trong việc dạy - học giáo dục thể chất, cũng như các hoạt động thể thao trong trường học của tỉnh thời gian qua.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất là những giải pháp các trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện để môn giáo dục thể chất (GDTC) được nâng lên về chất. Với mục tiêu giáo dục toàn diện, Ban Giám hiệu các Nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học môn GDTC cùng với các môn văn hóa. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 619 giáo viên dạy thể dục thì 100% đều tốt nghiệp đúng chuyên ngành giáo dục thể chất, trong đó có 8 giáo viên có trình độ thạc sĩ. 100% trường học dạy môn thể dục theo đúng chương trình, (dạy đủ 2 tiết/tuần). Đối với môn thể thao tự chọn, ngoài bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, Sở Giáo dục & Đào tạo khuyến khích các trường đưa môn thể thao dân tộc, môn bơi phù hợp với điều kiện của nhà trường. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các nhà trường đã thường xuyên phân công các giáo viên thể dục tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời vận động giáo viên, học sinh tham gia các giải thể thao để rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng giảng dạy của giáo viên và học tập rèn luyện của học sinh.
Theo thầy giáo Trương Phúc Dương, Trường THPT Định Hóa: Mục đích của GDTC là bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có sức khỏe dồi dào, thể lực cường tráng, sống lành mạnh. Thực tế nhiều học sinh còn lười biếng, coi môn học này là môn phụ. Chính vì thế, chất lượng dạy môn học này ở một số trường chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, nhóm giáo viên dạy thể dục của Trường chúng tôi đã tham mưu cho Ban Giám hiệu phát huy sở trường của học sinh, thành lập các câu lạc bộ thể thao (cầu lông, bóng bàn, bóng đá...). Tổ chức các giải thể thao truyền thống của Nhà trường, như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, aerobic… Các môn thi đấu tổ chức trải đều trong năm học, tạo khí thế sôi nổi, nhờ vậy môn học GDTC không còn nhàm chán...
Còn tại Trường THPT Trại Cau để nâng cao chất lượng giảng dạy môn GDTC, Nhà trường đã quán triệt các giáo viên không được để trống, thay thế giờ thể dục; đồng thời hướng các em tự chọn nội dung để học tập và rèn luyện các môn thể dục thể thao (TDTT). Do đó, đa số học sinh rèn luyện tốt thể chất, các hoạt động giao lưu thi đấu TDTT luôn diễn ra sôi nổi. 100% học sinh xếp loại học lực và rèn luyện thân thể từ Đạt trở lên ở cuối kỳ, cuối năm; không có học sinh chưa đạt về sức khỏe.
Có thể khẳng định, thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục các bộ môn văn hóa, ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ tập luyện, phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và tập luyện TDTT của học sinh. Hiện toàn tỉnh có 452 sân tập thể thao, 41 nhà đa năng, 93 sân vận động và 5 phòng tập đa năng. Nhiều trường đầu tư xây dựng nhà đa năng, sân vận động phục vụ cho các hoạt động TDTT hiệu qua, như: THPT Chuyên Thái Nguyên, THPT Phú Bình, THPT Lương Ngọc Quyến… Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thể dục đảm bảo đã giúp các trường thực hiện đúng và có chất lượng chương trình bộ môn. 100% số trường thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng của chương trình giảng dạy môn GDTC và tổ chức cho học sinh tập luyện, thi đấu theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đã được quy định. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GDTC cho học sinh trong các nhà trường được đẩy mạnh.
Mặc dù công tác GDTC và các hoạt động TDTT trong các nhà trường đã được cải thiện rất rõ rệt nhưng nhìn chung nội dung chương trình giảng dạy còn đơn điệu, lặp lại, chủ yếu là nội dung của điền kinh và thể dục chiếm tới 75%. Đối với các môn thể thao dân tộc và bơi lội phòng, chống đuối nước được khuyến khích là nội dung tự chọn nhưng ít trường lựa chọn. Diện tích đất dành cho GDTC bình quân toàn tỉnh mới đạt 1,4m 2/học sinh, chưa đạt quy chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định (2m2/học sinh). Vẫn còn một số trường, nhất là khu vực miền núi thiếu sân bãi, phương tiện phục vụ việc dạy và học TDTT, thiếu các địa điểm để thanh thiếu niên vui chơi và rèn luyện thể chất. Do vậy, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần triển khai tốt hơn nữa công tác GDTC, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học GDTC. Qua đó góp phần giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mĩ cho các em học sinh, cổ vũ phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường và toàn xã hội. Đây cũng là cơ sở để các nhà trường phát hiện, ươm mầm các năng khiếu TDTT thành tích cao cho tỉnh và Quốc gia.