Miệt mài gieo chữ vùng cao

15:12, 03/01/2017

Từ trung tâm xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), chúng tôi vượt 15 km đường rừng qua xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) mới tới được điểm trường xóm Bãi Vàng thuộc Trường Tiểu học Hợp Tiến. Mặc dù điểm trường này mới được xây dựng phòng học kiên cố song vẫn còn thiếu thốn nhiều công trình phụ trợ nhưng các thầy, cô giáo vẫn nhiệt tình, tâm huyết “gieo mầm” cho những ước mơ xanh…

Có tới Bãi Vàng, chúng tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của các giáo viên vùng cao. Xóm Bãi Vàng có 153 hộ dân, song diện tích đất nông nghiệp chỉ gần 20ha. Đời sống của bà con chủ yếu trông vào việc nhận khoán trồng rừng. Với trình độ dân trí còn hạn chế, nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xóm trên 61% số hộ. Khi chúng tôi hỏi về việc học của con em trong xóm, ông Phan Đức Hiện, Trưởng xóm cho biết: Xóm chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Ngày trước, nhiều người không được học, từ khi về đây, nhờ các thầy, cô giáo đưa cái chữ vào bà con đã biết đọc, biết viết, cảm ơn các thầy cô nhiều lắm. Nhờ được học cái chữ, chúng tôi đã biết làm ăn. Chúng tôi chỉ mong các con học hành tốt, sau này có việc làm cho đỡ khổ...

 

Trở lại khu lớp học được xây dựng trên một quả đồi ở trung tâm của xóm, chúng tôi được chứng kiến một buổi học đúng “bản sắc vùng cao”. Đó là lớp học ghép 2 trình độ (lớp 2 và lớp 3). Cả lớp chỉ có 9 học sinh (6 học sinh lớp 2 và 3 học sinh lớp 3). Trong căn phòng rộng hơn 20m2, đầu lớp và cuối lớp được kê 2 chiếc bảng. Cô giáo Lê Thị Tình giảng hết một phần bài của lớp 2 lại xuống giảng tiếp bài cho học sinh lớp 3.Cô Tình tâm sự: “Hôm nào, tôi cũng phải thức đến 12 giờ đêm mới soạn xong bài dạy cho cả hai lớp. Bây giờ điều kiện dạy học ở đây đã tốt hơn trước. Khi tôi về đây nhận công tác năm 1993 (cách đây 23 năm), lớp học chỉ là một ngôi nhà tranh tre vách đất, nằm sát bờ suối. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính bởi đường sá đi lại khó khăn. Thời điểm đó, công tác vận động để đưa các cháu đến trường đã khó thì việc giữ sĩ số lớp học lại càng khó khăn hơn. Do gia đình các em còn nghèo nên bố mẹ không chú trọng vào công việc học tập của con em mình. Các cháu ở đây tiếp thu bài chậm, khả năng nói tiếng Việt rất hạn chế, có cháu thích thì học, không thích thì trốn về nhà. Các hộ dân sống rải rác, hộ ở xa nhất đi bộ từ điểm trường tới nhà cũng hơn mất 2 tiếng đồng hồ. Vào đầu năm học mới, tôi và các thầy, cô phải đi từng nhà để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng. Dần dần các bậc phụ huynh học sinh đã hiểu và tạo điều kiện hơn cho con em trong học tập.

 

Khi nói về những kỷ niệm trong cuộc đời dạy học của mình, cô Tình chia sẻ: Vào mùa lấy măng, chặt nứa, nhiều học sinh lại bỏ học, tôi phải vào tận nhà tìm gặp bố mẹ các em để tuyên truyền, vận động cho con em đi học. 23 năm dạy học, ngày 20-11 tôi chưa từng nhận được một bông hoa hay món quà nào của học sinh, nhiều lúc nghĩ cũng chạnh lòng, song vì thấu hiểu đời sống của nhân dân ở đây quá khó khăn nên tôi không buồn nhiều. Hiện nay, 29 học sinh của điểm trường thì có tới 28 cháu thuộc diện hộ nghèo, 1 cháu thuộc hộ cận nghèo. Chúng tôi hạnh phúc khi thấy lớp lớp học sinh trưởng thành, tiến bộ. Bà con Bãi Vàng luôn coi chúng tôi như người thân.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Hương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Tiến cho biết: Sự học ở đây đã có nhiều đổi thay khi các Chương trình 134, 135 của Chính phủ đến được với vùng cao. Giờ đường đến điểm trường đã bớt khó khăn vì đi nhờ được qua tuyến đường nhựa của xã Xuân Lương (Bắc Giang). Giai đoạn trước, điểm trường này không điện, không nước, không công trình vệ sinh, không tường rào, lớp học tạm bợ bằng tranh tre nứa lá. Điều mà các thầy cô lo lắng nhất là dạy học trong những ngày mưa, gió. Trước thực tế trên, năm 2014, tôi đã cùng Ban Giám hiệu Nhà trường tham mưu cho UBND xã dùng nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư xây dựng 2 phòng học. Cùng với đó, tôi đã vận động các sư trụ trì chùa Trung Tự (Hà Nội), chùa Xuân Lương đầu tư xây dựng 2 phòng học cấp bốn trị giá trên 400 triệu đồng. Giờ điểm trường đã có 4 phòng học kiên cố. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu thốn rất nhiều công trình phụ trợ, thiếu phòng cho giáo viên nghỉ, phòng tổ chức các hoạt động tập thể. Rất may bên UBND xã Xuân Lương cho kéo điện nhờ, năm học này, điểm trường này mới có điện thắp sáng. Nhờ vậy, các em học sinh được làm quen với máy tính.

 

Đặc thù học sinh vùng dân tộc thiểu số khả năng nói tiếng Việt hạn chế nên mỗi tuần, các thầy cô ở đây lại dành ra buổi chiều ôn tập và hướng dẫn cho các em học sinh về kỹ năng giao tiếp, cũng như phát triển khả năng nói tiếng Việt. Chúng tôi được biết, trong số 5 thầy, cô giáo đang dạy tại điểm trường, có thầy giáo Phạm Văn Luyện từng là học sinh của điểm trường này. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, thầy Luyện đã xin về quê hương để giảng dạy. Hiện nay, hai vợ chồng thầy Luyện đều dạy học ở điểm trường Bãi Vàng. Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Luyện nhớ lại những năm tháng học trò: Khi em học tiểu học ở đây, cả điểm trường chỉ có 2 lớp học. Gọi là lớp song cũng chỉ có hơn 10 học sinh. Điều kiện dạy học rất thiếu thốn, đường đi lại rất gian khổ, mưa thì lầy lội, xe máy của các cô giáo phải cuốn xích vào bánh mới đi được qua những chỗ trơn trượt. Khó khăn là thế, song các thầy, cô vẫn bám trụ để dạy học cho chúng em. Nay mong mơ lớn nhất của các thầy, cô giáo ở điểm trường này là được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm 1 phòng cho cán bộ, giáo viên để tổ chức các hoạt động chuyên môn, cũng như các hoạt động chung cảu điểm trường.

 

Khi chúng tôi hỏi về tiền thưởng và quà Tết cho các cán bộ, giáo viên ở đây thì cô Tình, thầy Luyện cho biết, điều kiện Nhà trường còn khó khăn nên Công đoàn cũng chỉ hỗ trợ số tiền 100-200 nghìn đồng cho mỗi giáo viên. Nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn trích đồng lương ít ỏi của mình để mua tặng quần, áo ấm cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi dịp Tết đến Xuân về.