Thành công từ học đi đôi với thực hành

10:27, 08/02/2017

Ngay trong những ngày đầu Xuân, tin vui đến với sinh viên Nguyễn Trọng Giáp (Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên) là: Sản phẩm pin năng lượng sản xuất “điện sạch” đã vượt qua hàng nghìn sáng kiến khoa học để được công bố đăng trên tạp chí khoa học kỹ thuật trẻ Quốc tế; và vui hơn nữa là được cấp ủy Đảng cở sở lựa chọn bồi dưỡng đối tượng để xét kết nạp Đảng. Dù đang trong tâm trạng rất vui, nhưng Giáp không quên nhiệm vụ là hoàn thiện các thí nghiệm và thuyết trình sản phẩm nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh.

Học gì làm đấy

 

Là một trong những sinh viên tiêu biểu của Đại học Thái Nguyên (năm học 2016-2017), điều trăn trở nhất với chàng sinh viên Nguyễn Trọng Giáp là làm thế nào để mỗi bạn trẻ đều tự sắp xếp được thời gian biểu hợp lý giữa học tập, hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu khoa học, thực nghiệm… Là cán bộ lớp, bên cạnh công việc quán xuyến các hoạt động chung của lớp và học tập, Giáp luôn tâm niệm về chương trình hành động của bản thân khi vào trường học: “Người Việt Nam phải có công nghệ của người Việt Nam”. Cũng chính vì điều này nên khi Đoàn thanh niên triển khai chương trình hành động về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Giáp đã chủ động đề xuất các giải pháp về chương trình hành động. Giáp chia sẻ: “Trước đây là học tập tấm gương Bác Hồ, nay là làm theo, nên việc học tập của sinh viên cần hướng đến việc học đi đôi với thực hành và học gì thì thực hành đó. Và đó cũng là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…”. Để thực hiện được điều này, mỗi sinh viên phải chủ động và khi dạy trong mình những đam mê từ chuyên môn gắn với ứng dụng và những yêu cầu của cuộc sống…”.

 

Thực tế không ít bạn sinh viên có kết quả học tập tốt, nhưng khả năng thích ứng với những vấn đề của cuộc sống lại lúng túng. Anh Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết: “Có một số sinh viên học giỏi điện, cơ khí, nhưng khi thực hành hoặc làm những công việc gia đình có liên quan cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là các bạn không tiếp cận thực tế, ít va chạm thực hành. Có những sinh viên học tiếng Anh giỏi, điểm cao, nhưng khi nghe, nói, đọc tiếng Anh, hoặc giao tiếp với các giảng viên, thực tập sinh đến từ Úc, Mỹ… thì gần như không biết gì. Từ thực tế này, Đoàn trường, Hội Sinh viên đặt ra những yêu cầu mới là học phải đi đôi với thực hành, gắn với chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.   

 

Từ ứng dụng pin năng lượng

 

Vốn đam mê điều khiển tự động và yêu thích các đồ chơi điên tử chạy pin, Nguyễn Trọng Giáp đã mày mò và tự nâng lượng tích điện trong các đồ chơi để kéo dài thời gian sử dụng. Trong một số lần về muộn thiếu nước nóng tắm, Giáp đã tự hoán cải hệ thống thu nạp năng lượng mặt trời để có thêm nhiều nhiệt, nhanh làm nóng và tối ưu hóa công năng thiết bị. Dù gặp không ít khó khăn về điều kiện vật chất, vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm, nhưng dựa trên những kiến thức đã học và đọc thêm, Giáp đã kiên trì bám xưởng thực hành, nhờ các thầy giáo tại trung tâm sáng tạo cảu trường tư vấn…

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Ý, giảng viên ngành Điện, Khoa Quốc tế cho chúng tôi biết: “Ưu điểm là sinh viên rất đam mê nghiên cứu, chế tạo, khi đã có định hướng, mục tiêu và Nhà trường luôn tạo điều kiện môi trường thực hành tốt nhất. Trong công trình nghiên cứu ứng dụng của sinh viên Nguyễn Trọng Giáp, Khoa và các giảng viên khoa cơ bản cũng đã hỗ trợ nhiều cho bạn bổ sung những kiến thức về Toán, Hóa học, Vật lý, thậm chí cả Địa lý và Xã hội học. Vì chúng ta biết rằng, dùng pin năng lượng là tiết kiệm, nhưng đầu tư hiện vẫn còn cao, mà không phải ai cũng hiểu, ai cũng cần để sử dụng, nên tính phổ thông chưa hẳn đã cao. Muốn nhân rộng trong ứng dụng thì bên cạnh những thuyết phục bằng khoa học về Điện, tự động, về năng lượng, biển đổi khí hậu…thì rất cần những đánh giá phân tích về xã hội học. Có như vậy thì sản phẩm làm ra mới không bị “đắp chiếu”. Tôi đã hướng dẫn em Giáp phải tính toán khoa học về nguyên lý tự động trong cảm biến ánh sáng và phải có phần cơ khí thật tốt khi thiết bị chuyển động theo ánh sáng mặt trời”.

 

Thầy Ý nhớ lại: Ban đầu Giáp có đề xuất ý tưởng, nhưng rất thô sơ là hàng ngày phải có người leo lên vị trí giàn năng lượng để xoay thiết bị theo hướng mặt trời từ sáng đến tối. Từ thực tế này, một nhóm cộng sự về tự động và cảm biến nhanh chóng được thành lập và cùng tham gia vào công trình. Chỉ sau 3 tháng công trình hoàn thành và đạt các yêu cầu về kinh tế, môi trường, hiệu quả, công năng và tính tiện ích. Nhưng đó chỉ là môi trường trong trường học. Nguyễn Trong Giáp và các cộng sự đã phải tháo lắp thiết bị đến các vùng có điều kiện thời tiết khác nhau và các vùng khí hậu đặc thù để ghi chép, kiểm chứng.

 

Giáp cho biết: Thú vị nhất là đến vùng cao, mọi người thấy lạ và cho rằng sẽ không có tiền để đầu tư, nên kiếm củi, mua điện vẫn lợi hơn là mua “cái nắng” mặt trời. Sau khi thu thập đủ các tham số trắc nghiệm và đưa ra được những chỉ số dung sai cơ bản nhất về thuyết trình tổng quan pin năng lượng tự động cảm biến ánh sáng mặt trời, Giáp cùng các cộng sự đã tích hợp nguồn năng lượng thu nạp được vào một bình tích điện theo dạng ắc quy. Từ kết quả này đã mở ra một đề tài nghiên cứu khoa học mới với mục tiêu sản xuất điện “sạch” cho các vùng thiếu điện bằng tích năng lượng mặt trời tự động.

 

Đến sản xuất điện “sạch”

 

Không can thiệp vào môi trường tự nhiên như trị thủy, đắp hồ, khai thác than, khí…ý tưởng dùng năng lượng mặt trời sản xuất điện “sạch” đã nhanh chóng được nhiều nhà khoa học về môi trường trái đất, vật lý địa cầu…trong nước và một số trường đại học có quan hệ hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên quan tâm. Đặc biệt, sau khi vượt qua kỳ sát hạch tiếng Anh quốc tế và được cấp chứng chỉ tiếng Anh 537 TOEFL ITP, Giáp đã hoàn toàn tự tin thuyết trình bài viết khoa học bằng tiếng Anh công trình nghiên cứu và ứng dụng sản xuất điện “sạch” của mình trên Tạp chí sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ Quốc tế International Research Journal of Engineering and Technology (IRJET). Điều thuyết phục nhất với các chuyên gia, các nhà khoa học là công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, xuất phát từ vùng kinh tế khó khăn, lại khả thi phục vụ ngay cho đối tượng khó khăn và có giá trị mang tính thời sự toàn cầu là cải thiện môi trường, biến đổi khí hậu.

 

Một giàn thiết bị thu năng lượng nhỏ chỉ bằng tờ báo trải rộng, một gương cầu thu nhiệt và một chiếc bình ắc quy thu nạp được hoạt động cùng lúc, tất cả các dữ liệu về tình trạng thiết bị được hiển thị trên điện thoại di động. Thầy giáo Nguyễn Minh Ý và sinh viên Nguyễn Trọng Giáp cho biết: “Với quy trình này, nhân rộng thì có thể cấp điện cho cả vùng dân cư vùng xa lưới điện liên tục nhiều ngày”.