“Đối với tôi hạnh phúc nhất là được học trò tin yêu, kính trọng và thấy được sự tiến bộ của các em trong mỗi ngày. Đó chính là động lực thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực để luôn xứng với sự tin yêu, kính trọng của học sinh, đồng nghiệp, các bậc phụ huynh, sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên” - Đây là tâm sự của cô giáo Trần Thị Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá T.P Thái Nguyên.
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm 10+2 chị được phân công về dạy học tiểu học ở Trường PTCS Úc Kỳ (Phú Bình). Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, chị rất lúng túng dù đã chuẩn bị kỹ giáo án. Nhưng trước những ánh mắt ngây thơ của học trò, chị tự nhủ phải cố gắng lấy lại bình tĩnh, và buổi học đã thành công trong tiếng vỗ tay của các em, trong sự động viên của đồng nghiệp. Cuộc sống lúc bấy giờ nhiều khó khăn, nên một số đồng nghiệp của chị đã bỏ nghề. Cũng có thời điểm chị thấy nản, song khi lên lớp nhìn ánh mắt thơ ngây và tiếng cười rộn rã trên của học trò sân trường, chị lại tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Năng nổ, nhiệt huyết trong mọi hoạt động, cùng với công tác giảng dạy tốt, chị được Nhà trường giao nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn trường. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã tập hợp đội ngũ giáo viên tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi bổ trợ cho quá trình học tập của học sinh.
Đến năm 1996, chị được điều chuyển lên dạy ở Trường PTCS Đồng Liên (Phú Bình); năm 1988, chị về Trường Tiểu học Cam Giá (T.P Thái Nguyên). Luôn tận tâm với nghề, chị được các đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn Nhà trường. Sau 10 năm trực tiếp đứng lớp với sự nỗ lực không ngừng trong chuyên môn, liên tục đạt danh hiệu giáo viên, Tổng phụ trách Đội giỏi, tháng 12-1994 chị được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Giá.
Đến tháng 12-2001, chị được điều động về Trường Tiểu học Phú Xá rồi bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Nhà trường. Điều băn khoăn nhất của chị khi được điều chuyển về ngôi trường mới là cơ sở vật chất Nhà trường quá thiếu thốn chỉ có 8 phòng học/17 lớp. Nhà trường phải chia 2 ca giảng dạy. Đội ngũ giáo viên trình độ không đồng đều, vì thế rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trò chuyện cùng chúng tôi chị kể: Ngay sau khi về Trường, tôi bắt tay ngay vào việc tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, bằng cách tăng cường thêm các buổi dự giờ. Sau những buổi dự giờ đó, tại các buổi sinh hoạt chuyên môn của các tổ bộ môn tôi ngồi dự và cùng giáo viên thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu, và rút ra bài học kinh nghiệm cho từng cá nhân, tránh tình trạng cả nể, chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục.
Để nâng cao chất lượng dạy học, Chị luôn động viên các cán bộ, giáo viên tiếp tục đi học nâng cao trình độ. Trung bình mỗi năm có từ 5-6 thầy cô đi học. Cùng với đó, Chi bộ, Ban Giám hiệu Nhà trường tổ chức phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn Trường, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, khai thác vốn sống, lấy học sinh làm trung tâm. Đồng thời tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, mạnh dạn áp dụng các chuyên đề mới, đổi mới cách thức coi thi, chấm thi. Việc dạy kỹ năng sống được áp dụng song song với các hoạt động ngoài giờ chính khóa… Với những giải pháp tích cực, Nhà trường đã có những kết quả ban đầu đáng mừng đó là tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh được nâng lên, có một số học sinh giỏi cấp Quốc gia. Nhờ vậy, đã mang lại niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.
Để có đủ phòng học, các công trình phụ trợ khác theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia, trong 4 năm liên tục (2002 đến 2004), với sự tham mưu tích cực của Ban Giám hiệu Nhà trường với lãnh đạo địa phương đã huy động được trên 6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa giáo dục để xây dựng 12 phòng học và 02 phòng chức năng, hệ thống tường rào, cổng, làm sân bê tông, xây dựng bồn hoa, cây cảnh… Đến đầu năm học 2004-2005, Nhà trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 1 nhà 2 tầng 10 phòng học, nâng tổng số phòng học, phòng chức năng lên 38 phòng. Cơ sở vật chất của Trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, thư viện… đáp ứng chỗ học, vui chơi của trên 1.000 học sinh. Với sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, giáo viên, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các bậc phụ huynh học sinh, cuối tháng 12-2005, Nhà trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Đặc biệt, tháng 4-2009, Trường Tiểu học Phú Xá là trường đầu tiên của cấp học tiểu học toàn tỉnh đạt chuẩn Quốc gia mức độ II và được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cấp độ III.
Đi một vòng thăm quan khu lớp học chúng tôi nhận thấy Nhà trường trang bị đầy đủ các trang bị thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu và hiện đại. Phòng học đủ ánh sáng, có rèm che nắng, bàn ghế 2 chỗ ngồi, ghế rời đúng quy cách. Trong đó có 70% số phòng học được trang bị hệ thống máy chiếu Projecter, màn chiếu, máy tính xách tay; 5 phòng học trên được lắp đặt hệ thống bảng tương tác, sử dụng phần mềm Active primary và giáo án kèm phần mềm từ khối 1 đến khối 5 trong dạy học. Các phòng chức năng gồm phòng nghệ thuật, phòng học dành cho học sinh hòa nhập diện học tập khó khăn, phòng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, phòng y tế học đường, phòng hoạt động Đội, phòng truyền thống đều đưa vào hoạt động có hiệu quả trong năm học. Khu bếp ăn bán trú với tổng diện tích 180m2 gồm có bếp ăn 1 chiều, phòng dây chuyền nước sạch, phòng chia thức ăn… với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ trên 500 học sinh ăn nghỉ tại Trường.
Về thành tích giảng dạy, từ năm 2001 đến nay, Nhà trường liên tục được công nhận là tập thể Lao động xuất sắc cấp tỉnh, được nhận 6 Bằng khen của UBND tỉnh; 7 Bằng khen của Bộ GD&ĐT; Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh. 12 năm liên tục Liên đội đạt xuất sắc cấp tỉnh, 3 lần được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen…
Về cá nhân chị Trần Thị Tiến 19 lần được nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. 33 năm trong nghề, chị đã giúp đỡ được 68 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 15 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Chị đã có 22 sáng kiến được hội đồng cơ sở và cấp ngành Giáo dục công nhận. Đặc biệt, chị đã chỉ đạo bồi dưỡng được 732 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố và 356 em học sinh giỏi cấp tỉnh; 58 em học sinh giỏi cấp Quốc gia. Bản thân chị được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý cấp tiểu học toàn quốc.
Nhận xét về chị, đồng chí Lê Hằng, Trưởng Phòng Giáo dục T.P Thái Nguyên khẳng định: Chị Tiến là con người rất tâm huyết với công việc. Trong công tác quản lý, chị luôn chủ động, sáng tạo, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huy động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, với vai trò đứng đầu của một nhà trường chị đã phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, ban đại diện cha mẹ học sinh để tạo những điều kiện tốt nhất cho hoạt động giáo dục. Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Phú Xá luôn là đơn vị dẫn đầu khối tiểu học của thành phố và tỉnh, kết quả đó có đóng góp không nhỏ của chị Tiến. Mới đây nhất, chị vinh dự là 1 trong 11 nhà giáo được Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” của tỉnh xét đề nghị Bộ GD&ĐT tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017.
“Ngay khi chọn nghề giáo viên tôi đã xác định, tất cả phải vì sự nghiệp trồng người, vì lòng đam mê, vì uy tín nghề nghiệp. Hạnh phúc nhất của nhà giáo là được học trò tin yêu, kính trọng và thấy được học trò của mình tiến bộ mỗi ngày. Tôi cũng hiểu, làm nghề giáo, khi đứng trước học sinh mình phải là tấm gương sáng. Muốn vậy, người thầy phải chuẩn mực cả trong chuyên môn, trong phong thái và cách sống. Nếu được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú với tôi đó là niềm vinh dự, song cốt lõi vẫn là vị trí của mình trong lòng đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh” - Chị Trần Thị Tiến chia sẻ.