Hướng về biển đảo: Dạy học bằng hình thức sân khấu hóa

16:08, 04/04/2017

Được tham dự một tiết học dưới hình thức sân khấu hóa về chủ đề chủ quyền biển đảo Việt Nam của lớp 11A10, Trường THPT Gang Thép chúng tôi thực sự bất ngờ về hiệu quả của tiết học. 60 phút tiết học diễn ra sôi nổi và nhiều cảm xúc khi chính các em học sinh được hóa thân thành nhân vật, tìm hiểu và sáng tạo trong quá trình học tập.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Trường THPT Gang Thép là trường đầu tiên thực hiện hình thức sân khấu hóa môn học. Tiết học chuyên đề của lớp 11A10 được tích hợp từ nhiều môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… thể hiện thông qua vở kịch “Táo quân chầu trời”. Các học sinh được làm chủ chính tiết học của mình, không còn phụ thuộc vào giáo viên hay sách vở. Nội dung của chuyên đề này được xây dựng và thực hiện với mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh, cán bộ, giáo viên về những kiến thức cơ bản liên quan đến biển, đảo của Việt Nam; về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời khơi dậy và vun đắp lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của giáo viên và học sinh Nhà trường.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, em Nguyễn Thị Thu Hương, lớp 11A10 hào hứng: Những tiết học tích hợp các thông tin xã hội với lịch sử như thế này giúp cho hệ trẻ như chúng em hiểu sâu sắc hơn lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như sự anh dũng hy sinh để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của các thế hệ cha anh.

 

Cô giáo Trương Thanh Nga, giáo viên môn Lịch sử thông tin thêm: Tiết học này nằm trong chuyên đề “Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong hoạt động tìm hiểu chủ quyền biển, đảo Việt Nam”. Các em học sinh đã thực sự chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo, khả năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề. Chuyên đề dạy học này sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi tới các khối lớp trong toàn trường.

 

Đây là một ví dụ điển hình cho phương pháp dạy lấy người học làm trung tâm, để cho tiềm năng của mỗi học sinh được phát triển tối ưu. Không chỉ tổ chức các tiết học lịch sử dưới hình thức sân khấu hóa, tích hợp, liên môn, thời gian gần đây Trường THPT Gang Thép còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm khơi dậy và vun đắp lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chủ quyền quốc gia của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh. Cụ thể, trong năm học này, Đoàn trường phát động cuộc thi vẽ tranh với nội dung tình yêu với biển đảo quê hương và cuộc thi viết thư gửi các cán bộ chiến sĩ đang công tác, đóng quân tại Trường Sa. Cả hai cuộc thi đều thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia. Với tình yêu biển đảo, những bức tranh tham dự cuộc thi đã lột tả chân dung người lính đảo đang vững tay súng để bảo vệ vùng biển được thanh bình; những cuộc chia tay cảm động, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng để người lính được yên lòng nơi biên ải xa xôi lần lượt được hiện lên qua từng nét vẽ. Hình ảnh những ngư dân đang ngày đêm bám biển, những con thuyền vươn xa, căng buồm đón gió cũng được các em vẽ nên bằng tất cả lòng tự hào và biết ơn những lớp người ngày đêm không quản ngại gian khổ, hy sinh để giữ vững vùng biển, vùng trời đất nước.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Ngô Thị Quyên, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép cho rằng: Trong thời gian qua, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các đoàn thể, tổ chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, những tiết học chuyên đề dưới hình thức sân khấu hóa về chủ quyền biển đảo. Tích cực tổ chức các tiết học tích hợp, liên môn để nâng cao kiến thức cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Từ đó, các em sẽ ý thức hơn trong học tập, rèn luyện, sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và quê hương, đất nước.

 

Có thể nói việc đổi mới phương pháp dạy học bằng hình thức sân khấu hóa, cũng như tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về môn học góp phần phát huy năng lực và tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Cách làm sáng tạo, hiệu quả của Trường THPT Gang Thép cần được ngành Giáo dục nhân rộng trong các trường học để nâng cao chất lượng đào tạo những môn học này.