Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

10:58, 10/04/2017

Tìm hiểu thực tế tại nhiều xóm, bản miền núi, vùng cao của các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, chúng tôi nhận thấy 100% các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thường dùng tiếng mẹ đẻ nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận tiếng Việt. Đây cũng là điểm mấu chốt dẫn đến việc các em tiếp thu bài giảng của thầy, cô giáo bằng ngôn ngữ tiếng Việt còn khá chậm. Vì vậy, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có 228 trường mầm non với tổng số hơn 2.600 nhóm lớp và gần 80 nghìn trẻ. Theo thống kê điều tra dân số, số trẻ DTTS chiếm tỷ lệ 34,4% trong độ tuổi mầm non; số trẻ DTTS ra lớp chiếm 34% tổng số trẻ đến trường.

Ở lứa tuổi mầm non trẻ mới bắt đầu quá trình học nói, thậm chí tại một số vùng DTTS khi trẻ vào lớp 1 rồi nhưng khả năng diễn đạt của các em vẫn còn khá chậm. Chính vì vậy, việc tăng cường cung cấp vốn tiếng Việt cho trẻ mầm non ở khu vực này rất quan trọng, là nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn. Quan sát một giờ học của lớp mẫu giáo ở Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), chúng tôi nhận thấy cô giáo rất vất vả trong việc tổ chức buổi học. Khi cô yêu cầu các em ngồi theo hàng, ngoài việc phát âm bằng tiếng Việt, cô còn dùng cả tiếng mẹ đẻ của học sinh để nói (phần lớn là tiếng Mông). Ngoài số đồ dùng dạy học được trang bị, các cô giáo đã tận dụng nhiều loại nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương (thậm chí cả vỏ lon bia, chai nước, hộp cát-tông) làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cô giáo bày các vật dụng như xô, cốc, chậu... rồi phát âm từng từ bằng tiếng Việt để trẻ đọc theo.

 

Cô giáo Đỗ Thị Tình, phụ trách lớp học này cho biết: Năm đầu tiên nhận học sinh vào lớp, tôi rất bất ngờ vì mình chào phụ huynh nhưng họ không nói gì, còn các em bé thì núp sau lưng mẹ. Khi đưa tay đón học sinh vào lớp, các em vừa khóc vừa đánh cô giáo. 100% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mông, khi ra lớp các em đều nói bằng tiếng mẹ đẻ, không nghe được tiếng Việt. Bản thân tôi khi được phân công lên đây giảng dạy đã phải học thêm tiếng bản địa để có thể giao tiếp, cũng như giảng dạy thuận lợi hơn. Khi dạy trẻ, chúng tôi phải xác định trước những loại từ, câu nào sẽ sử dụng, các điệu bộ, cử chỉ để ra hiệu cho trẻ hiểu ý đồ của mình, thay cho việc nói nhiều của người dạy. Thậm chí tôi phải hỏi lại các em nếu như cái chậu thì tiếng Mông gọi là gì để dạy lặp đi lặp lại bằng tiếng Việt cho các em ghi nhớ. Lúc đầu chỉ dạy 1-2 từ dễ hiểu kết hợp với hành động (như đứng lên, ngồi xuống...), đến ngày hôm sau phải cho trẻ ôn lại những gì được học ngày hôm trước. Thậm chí, khi phụ huynh đến đón con, tôi còn phải nhờ họ dạy các từ thông dụng để có thể phiên âm cả tiếng bản địa và tiếng Việt dạy học sinh.

 

Được biết, những ngày đầu mở lớp mẫu giáo ở Bản Tèn chỉ có 15 cháu theo học, nhưng đến năm học này đã tăng lên 59 cháu. Nếu không có cách làm sáng tạo như các thầy, cô giáo ở đây đã thực hiện thì khả năng phát triển ngôn ngữ tiếng Việt của các em học sinh DTTS sẽ rất hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập sau này của trẻ.

 

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Lăng thông tin thêm: Ngoài điểm trường chính ở xóm Tân Lập 1, Nhà trường còn có 6 điểm lẻ ở các xóm, bản khác (gồm Khe Quân, Tân Sơn, Tam Va, Vân Lăng, Liên Phương và Bản Tèn). Năm học này, toàn trường có 13 lớp với 356 học sinh, trong số này có 60% học sinh là con em đồng bào các DTTS, chủ yếu là người Dao, Nùng, Sán Chí, Mông. Đối với các em dân tộc Tày, Nùng, Dao khi ra lớp còn bập bẹ được một số câu tiếng Việt, còn các em người Mông thì chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Biện pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mà Trường triển khai trong nhiều năm qua là chỉ đạo cán bộ, giáo viên đẩy mạnh tuyên truyền để các phụ huynh tích cực hợp tác với Nhà trường, cùng thống nhất dạy tiếng Việt cho trẻ mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt là khi trẻ ở nhà, các thành viên trong gia đình cần dùng tiếng Việt giao lưu với trẻ thường xuyên. Trong giờ học, giáo viên gần gũi trò chuyện với trẻ kết hợp với cử chỉ, hành động để trẻ dần được làm quen với tiếng Việt một cách tự nhiên, không gò bó. Đối với các điểm trường lẻ, Nhà trường bố trí những giáo viên biết tiếng DTTS lên giảng dạy, để thuận tiện trong việc giao tiếp với phụ huynh, học sinh.

 

Là người nhiều năm gắn bó với vùng cao, cô giáo Hứa Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cúc Đường chia sẻ thêm kinh nghiệm tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS: Trước hết dạy trẻ tập nói các từ gần gũi, sau đó các câu nói đơn giản, rồi mới đến câu phức tạp. Khi trẻ mới bắt đầu học tiếng Việt, cô giáo dạy một vài từ trong một ngày. Khi trẻ đã có một số vốn từ nhất định, mức độ tiếp thu ngôn ngữ của trẻ nhanh hơn thì cô giáo có thể dạy trẻ số từ nhiều hơn. Sau khi trẻ đã làm quen và nắm được 29 chữ cái trong tiếng Việt, giáo viên tiến hành cho trẻ tham gia các trò chơi, tập tô chữ cái giúp trẻ dần dần nắm được toàn bộ hệ thống chữ cái quy định trong chương trình. Do đặc điểm của lứa tuổi nên việc giáo dục trẻ mẫu giáo được tiến hành theo phương châm chơi mà học. Đối với các em mẫu giáo 5 tuổi có khả năng học được từ 300 đến 500 từ tiếng Việt trong một năm.

 

Điều đáng mừng là cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai Đề án đến các phòng GD&ĐT, các trường mầm non, tiểu học trong vùng dự án. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã yêu cầu các trường làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về vấn đề dạy tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; tăng cường tổ chức các chuyên đề, hội thi và những hoạt động phát triển ngôn ngữ, xây dựng môi trường tiếng Việt nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ; tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi tham gia các buổi tham quan, giao tiếp, trò chuyện với học sinh tiểu học… Để thực hiện hiệu quả Đề án, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất thì đội ngũ giáo viên dạy ở khu vực này sẽ được hỗ trợ học tiếng dân tộc địa phương. Đây là cơ sở để tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người DTTS đến trường tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng DTTS trong tỉnh.