Lặng lẽ cống hiến

09:17, 25/10/2017

Trong không gian yên ắng của lớp học khiếm thính, chị không thể truyền tải kiến thức đến học sinh bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, mà phải dùng đôi bàn tay, khuôn mặt để biểu cảm (ngôn ngữ ký hiệu). Từ đôi bàn tay ấy tất cả những con số vô hình, những chữ cái được cô sắp xếp thành những kiến thức cơ bản theo chương trình phổ thông để học sinh khắc sâu ghi nhớ. 20 năm gắn bó với mái Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi này, cô đã lặng lẽ cống hiến, góp cho đời nhiều quả ngọt.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Truyền thống đó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới Lý Thị Việt Nga. Từ nhỏ cô chỉ có ước mơ duy nhất sau này được làm giáo viên. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 1996, năm 1997, cô Nga về Trường Giáo dục và Hỗ trợ Trẻ em bị thiệt thòi công tác. Thời điểm này, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, mô hình dạy học mới nên trong quá trình triển khai các cán bộ, giáo viên ở đây phải vừa làm vừa học. Cô Nga được phân công làm nhiệm vụ quản sinh.

Nhớ lại quãng thời gian khởi đầu đầy khó khăn đó, cô Nga xúc động: Lúc đó có khoảng gần 100 học sinh, chủ yếu là ở Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn. Các em còn nhỏ nên nên mọi sinh hoạt hằng ngày ngoài giờ học đều do các thầy cô phụ trách quản sinh đảm nhiệm. Từ việc ăn, ở, đến tắm giặt chúng tôi đều trực tiếp làm và dạy các em từ việc đánh răng, rửa mặt, tới vệ sinh cá nhân. Buổi tối sau giờ ăn, các thầy cô quản sinh đưa các em lên lớp ôn bài, rồi về phòng ngủ, sáng sớm hôm sau, sau khi đánh thức các em dậy làm vệ sinh, ăn sáng xong các em lên lớp chúng tôi mới hết ca và được nghỉ. Đối với người bình thường đã vất vả, thì học sinh của trường các em đều là những cuộc đời kém may mắn bị khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển, nên mọi sinh hoạt, học tập rất khó khăn. Phải học tập trung, xa nhà nên nhiều em nhớ nhà đã bỏ trốn, có đêm tôi cùng đồng nghiệp phải lần mò tới sáng mới tìm được các em để đưa về trường. Có hôm vừa về đến nhà, nhận được điện thoại của trường tôi lại vội vàng phóng xe đi. Thì ra đó là cậu học sinh lớp tôi chủ nhiệm trèo cây bị ngã gẫy tay, tôi phải vào viện trông em suốt đêm chờ đến sáng khi người nhà xuống thay, rồi chạy vội về nhà thay vội bộ quần áo lại lên lớp như thường lệ.

Gần đây nhất là khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền, trời mưa như trút nước, khắp phố phường nước ngập dâng cao, ra đường rất nguy hiểm, nhưng khi nhận được tin nhắn của học sinh cũ, cô vội khoác áo mưa lên đường. Hóa ra là tin nhắn của hai vợ chồng Nguyễn Văn Đức, Trần Thị Lan  (học sinh cũ) đến kỳ sinh nở, khi ra viện cần có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để bác sĩ hiểu và cô Nga trở thành vai trò phiên dịch viên. Có lần tôi đưa học sinh cũ bị khiếm thị đi khám thai ở nhà một bác sĩ là bạn tôi, bạn tôi bảo “Tôi phong bà là cô giáo Việt Nam anh hùng”. Bạn tôi trêu vậy, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm - cô Nga chia sẻ.

Năm 2000, cô Nga được phân công đứng lớp dạy học sinh khiếm thị, không dùng bảng đen, phấn trắng mà cô đã đưa những chân trời tri thức tới học sinh qua chữ nổi Braille. Trò chuyện với chúng tôi cô bảo, với trẻ khiếm thính thì phải dùng ngôn ngữ ký hiệu (dùng tay, chân, biểu cảm khuôn mặt), thì với học sinh khiếm thị ngoài chữ nổi, có những lúc dạy liên quan đến môn sinh học tôi phải cầm tay cho các em sờ lên người mình để tự cảm nhận đâu là tai, mũi, chân, tay. Từ đó giúp các em hình thành ý thức, xóa bỏ mặc cảm về bản thân. Đổi lại các em khiếm thị có rất nhiều tài lẻ như hát hay, khả năng thẩm âm rất tốt. Khi phát hiện ra những khả năng đó của các em, tôi luôn động viên, khuyến khích các em tham gia đội văn nghệ của lớp, trường. Từ sự động viên đó, các em đã vượt qua rào cản mặc cảm, nhiều em đã mạnh dạn hơn, đặc biệt như em Nguyễn Thị Thương còn mạnh dạn sáng tác thơ. Tôi đã đưa em ra Tòa soạn Báo Thái Nguyên và gửi thơ. Sau khi được đăng, tôi lại trở em ra lấy nhuận bút. Khi có một nhạc sĩ đến thăm trường tôi đã đưa bài thơ đó để nhạc sĩ phổ nhạc. Nhờ vậy, từ một cô học trò nhút nhát, mặc cảm với bản thân mình, Thương đã mở lòng hơn, tự tin hơn. Hết lòng vì học trò, chị không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy mà đã định hướng, khơi gợi những ước mơ và thắp sáng ước mơ cho những học trò kém may mắn. Được biết, cô học trò yêu thơ Nguyễn Thị Thương của chị hiện là Phó Chủ tịch Hội người mù thị xã Phổ Yên. Được biết, chị còn dành một phần nhỏ của những tháng lương để mua cho học sinh những vật dụng cần thiết hằng ngày. Hay như nhiều học sinh ra trường, cuộc sống khó khăn, chị đã xin việc cho vào cơ sở may, trồng nấm, trồng hoa…

Nhắc lại những kỷ niệm trong suốt 20 năm gắn bó với ngôi trường này, mắt chị ánh lên niềm tự hào, tin yêu. Chị bảo: Tôi thấy vui nhất là những học sinh tôi dạy đã tìm thấy một nửa của mình, có công việc ổn định, dịp lễ, tết chúng đưa con tới nhà chơi và âu yếm gọi tôi là “bà giáo”. Nói về chị, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường tự hào: Trường là mái nhà chung của các em học sinh khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển, những cuộc đời kém may mắn. Năm học này, Nhà trường bước sang tuổi 22 thì cô giáo Lý Thị Việt Nga đã có 20 năm gắn bó với ngôi trường chuyên biệt này. Khi lựa chọn ngôi trường này là sự hy sinh thầm lặng của mỗi cán bộ, giáo viên. Cô giáo Lý Thị Việt Nga là một trong những giáo viên rất tâm huyết với nghề. Cô chính là tấm gương sáng của một nhà giáo bình dị, cao quý, thân thương với bao thế hệ học sinh khuyết tật.