Trong quá trình phát triển giáo dục đại học, tự chủ đại học là một thuộc tính tất yếu, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Sau ba năm thực hiện, cơ chế tự chủ đại học được đánh giá đóng vai trò quan trọng để các trường phát huy nội lực và khả năng sáng tạo, đẩy mạnh chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng là quá trình đầy khó khăn, thách thức đòi hỏi các trường cần có lộ trình phù hợp để triển khai hiệu quả.
* Nhiều chuyển biến tích cực
Để đánh giá khách quan về kết quả tự chủ đại học ở Việt Nam, một nhóm nghiên cứu độc lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đánh giá tổng kết ưu và nhược điểm của quá trình thí điểm tự chủ đại học vừa qua. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, các trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Thời gian mở ngành đào tạo nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên. Tổng số đề tài trung bình hàng năm khoảng 500 đề tài. Số lượng các công trình được công bố của 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016, trong đó, số lượng bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng từ 574 bài năm 2013 lên 1.437 bài năm 2016.
Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, đã có 8/12 trường tự chủ trên 2 năm thành lập Hội đồng trường. Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống.
Tỷ lệ giảng viên có chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư tại các trường tự chủ trên 2 năm chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường và lớn hơn khá nhiều so với tỷ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường tự chủ đã tăng lên so với giai đoạn trước tự chủ.
Về tài chính, tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% tổng thu của các trường. Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Các trường có thể chủ động nhiều hơn trong đầu tư mua sắm; chi học bổng cho sinh viên tăng từ 98 tỷ đồng lên 137 tỷ đồng. Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành: Sau gần ba năm thực hiện tự chủ, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ, cần có giải pháp để tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức vận hành rộng rãi.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 6 vấn đề bất cập trong các văn bản chính sách liên quan đến tự chủ đại học hiện nay. Đó là thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ. Các trường chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của mình; thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học. Việc giao quyền tự chủ đối với giáo dục đại học mới chỉ là thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính chưa tính đến năng lực chuyên môn, tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.
Hiện nay, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm tự chủ vẫn còn nhiều tranh cãi. Cơ quan chủ quản, hội đồng trường hay công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tự chủ còn chưa thống nhất về ý tưởng và quá trình thực hiện làm ảnh hưởng tới hiệu quả tự chủ.
*Xác định rõ vai trò của Hội đồng trường
Hội đồng trường được xác định là rất quan trọng trong quá trình tự chủ nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường chưa thành lập được. Nguyên nhân là do sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu chưa rõ ràng. Các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc thành lập Hội đồng trường; cơ cấu, tỷ lệ thành phần chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức...
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Là một trong những trường đại học đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, đến năm 2017, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện tự chủ được hơn 10 năm. Cũng như các trường thí điểm tự chủ khác, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành có liên quan sớm có chủ trương tiếp theo để các trường đã thí điểm tự chủ lại tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được. Đây là chủ trương tạo được sự đồng thuận lớn của các trường đại học, là hướng đi đúng và cần bước những bước tiến dài hơn trên con đường tự chủ. Rút kinh nghiệm trong quá trình thí điểm tự chủ, thời gian tới, các văn bản liên quan tới việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ cần được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng thuận, tránh mâu thuẫn giữa các văn bản hiện hành. Từ đó, giúp các trường hiểu tự chủ một cách thống nhất, tạo được niềm tin với các trường để chủ động hơn trong việc sử dụng các nguồn lực của trường mình cũng như nguồn lực của xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Về vấn đề Hội đồng trường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt cho biết: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập Hội đồng trường, thời gian qua, hoạt động của Hội đồng trường được đánh giá rất hiệu quả. Nhìn chung, Hội đồng trường đã phát huy được chức năng, quyền hạn trong cơ chế hiện nay. Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được bầu lên một cách dân chủ, là người có nhiều kinh nghiệm về quản lý của nhà trường, đã điều hành các hoạt động của Hội đồng trường tốt, thực hiện đúng chức trách của Hội đồng trường theo văn bản pháp luật hiện nay.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vẫn cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch về mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu, để Hội đồng trường có thực quyền hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu về tự chủ đại học cũng nhấn mạnh: Hội đồng trường cần được đặt đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ để hoạt động hiệu quả. Qua số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu, tại một số trường vẫn có tỷ lệ nhất định, Chủ tịch Hội đồng trường được bổ nhiệm từ cấp trưởng phòng đi lên, chưa trải qua kinh nghiệm ban giám hiệu, thậm chí có trường bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường không phải là thành viên cơ hữu của trường. Điều này làm giảm hiệu quả của Hội đồng trường.
Theo ông Lê Trung Thành, Hội đồng trường phải là đơn vị chuyên trách, không kiêm nhiệm hoạt động nào, chỉ tập trung vào hoạt động của Hội đồng trường. Bên cạnh đó, Hội đồng trường phải có kinh phí riêng để tổ chức hoạt động; đồng thời có bộ máy hỗ trợ việc thu thập thông tin, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ mà Hội đồng trường đã thông qua bằng nghị quyết và giao cho Ban giám hiệu triển khai.
Lãnh đạo của một số trường đại học cũng kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng, công bố lộ trình, điều kiện để dần xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”. Về lâu dài, các trường cần trở thành pháp nhân độc lập, không có cơ quan chủ quản. Hội đồng trường phải thực sự là đại diện sở hữu, có năng lực quản trị cơ sở giáo dục đại học qua việc xây dựng chiến lược, bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng để thực hiện và giám sát quá trình thực hiện chiến lược. Từ nay đến năm 2020, thí điểm xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” đối với một số trường đang thí điểm tự chủ thành công dựa trên việc các trường đăng ký và xây dựng đề án cũng như các điều kiện về kiểm định chất lượng, trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng đầu ra của đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng./.