Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017), ngành Giáo dục tỉnh vừa tổ chức cuộc thi viết về những tấm gương nhà giáo tiêu biểu đã và đang công tác trên địa bàn tỉnh. Trên 200 bài viết dự thi của nhiều đối tượng tác giả đã thể hiện sự tôn kính của xã hội đối với nghề giáo và sự nghiệp trồng người. Mỗi bài viết miêu tả một nhân vật điển hình về nhân cách, đạo đức và là sự cảm nhận sau những trải nghiệm của cuộc sống mà tác giả từng nghe, từng thấy, từng đi qua trong cuộc đời...
"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo năm 2017 do ngành Giáo dục tỉnh tổ chức, với trên 200 bài viết dự thi về nhiều tấm gương tiêu biểu, mỗi tác giả đều có những cảm xúc đặc biệt, góc nhìn tinh tế cùng với sự tôn kính, từ đó đã khắc họa hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo từ công việc thật và cuộc sống thực tế vào trang viết đầy cảm động. Tại Lễ trao giải cuộc thi, các tác giả, nhân vật đã có những chia sẻ sâu sắc về nghề giáo và sự hy sinh thầm lặng của việc dạy chữ, rèn người.
Mới học lớp 10 ở Trường THPT Đồng Hỷ, nhưng em Đinh Thu Ngân đã cảm nhận sâu sắc được công việc của mẹ mình - cô giáo Lý Thị Việt Nga, giáo viên Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh. Thu Ngân đã đưa hình ảnh mẹ vào trang viết từ những cảm nhận sâu sắc: “Với học sinh khiếm thị, không bảng đen phấn trắng, mẹ là người đem ánh sáng tri thức, ánh sáng cuộc đời thổi vào trong cuộc sống của học sinh bằng chữ nổi Braille. Mẹ đã đưa các học trò của mẹ bước ra khỏi bóng tối của số phận, xóa bỏ mặc cảm của bản thân để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”. Ngân nhớ lại: “Không ít lần chuẩn bị bữa cơm tối, mẹ nhận được điện thoại thông báo học sinh nhớ nha, lạc không biết về Trường, rồi một em học sinh trèo cây ngã gẫy tay và thế là mẹ vào viện trông em, chờ gia đình em đến. Khi mẹ từ viện về đến nhà đã sang một ngày mới. Nhưng chỉ sau vài chục phút nghỉ ngơi, mẹ vẫn lên lớp như thường lệ”. Cũng có những lúc Ngân đã chạnh lòng: “Cũng lên lớp, cũng soạn bài như bao giáo viên các trường khác, nhưng học sinh của mẹ thật đặc biệt. Trong một không gian im ắng của lớp khiếm thính, hầu hết học sinh đều bị câm điếc bẩm sinh, mẹ không truyền đạt kiến thức đến cho học sinh bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm mà mẹ dùng đôi bàn tay, thậm chí có khi còn dùng cả biểu cảm khuôn mặt. Những con số, những chữ cái, những kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông đều có những kí hiệu khác nhau dù đôi tay có mỏi nhưng vì sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu thương học sinh, mẹ quên hết tất cả mà chuyên tâm vào giảng dạy”...
Cô giáo và học sinh ở phân trường Mầm non Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.
Mộc mạc, giản dị, hình ảnh người thầy truyền lửa đam mê học tập để dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh bước lên đỉnh cao vinh quang tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Đó là tấm gương thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Anh văn Trường THPT Chuyên Thái Nguyên do tác giả Lương Thị Huyền viết: “Thầy bận rộn với sách vở, tôi đến thầy vừa cầm bánh mì ăn qua bữa vừa tranh thủ chữa bài cho tôi. Lúc đó, tôi cảm nhận thấy nghề dạy học thật là vất vả và không còn ý định thi vào trường Sư phạm. Thầy ân cần nói: “Rồi một ngày em sẽ thấy những gì em nhận được sau những nỗ lực không ngừng nghỉ là những điều vô giá. Nghề của mình là một nghề đặc biệt em à. Hạnh phúc nhất là dạy chữ và lớn lao hơn nữa là dạy người”. Từ đó tôi thêm cảm phục vì sự tận tâm của thầy đã dành cho học trò và tiếp thêm động lực cho tôi đến với nghề dạy học như hôm nay. Cho đến nay, thầy Tuấn đã dìu dắt các em học sinh đạt được 42 giải học sinh giỏi cấp quốc gia và rất nhiều học sinh giỏi tỉnh. Và thầy vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2011 và 2016”.
Nghề dạy học đã tạo dựng cho hình ảnh người giáo viên luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, về tâm hồn và tri thức. Ở bất cứ nơi đâu, dù đương chức hay chuyển sang lĩnh vực công tác khác, họ vẫn phát huy tốt phẩm chất đạo đức nhà giáo và được xã hội tin yêu. Câu chuyện của cựu nhà giáo Tạ Thị Gái ở xã Nga My, huyện Phú Bình đã được tác giả Dương Văn Mưu quan sát, cảm nhậm và miêu tả như một đóa hoa đẹp giữa đời thường. Tác giả đã tìm thấy những điều khác biệt với các nghề khác trong xã hội, như sự cảm nhận có chút lãng mạn:“Có một nghề không trồng cây trên đất/Lại cho đời những đóa hoa thơm”, trong bài viết “Cựu nhà giáo nghỉ hưu không nghỉ việc”. Câu chuyện được dẫn dắt theo lối tả thực: “Hơn ba mươi năm công tác trong ngành Giáo dục, bà đã “chèo lái” biết bao chuyến đò chở học sinh cập bến bờ tri thức. Về hưu, bà tiếp tục chèo lái con thuyền đưa phong trào của xóm ngày một đi lên. Bà là Tạ Thị Gái, Trưởng xóm Nghể xã Nga My huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn hàng ngày bơi chiếc thuyền nhỏ qua sông khi thì cho dân họp xóm, khi là hỏi thăm động viên bà con lao động sản xuất đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với người dân sống ven sông Cầu của xã Nga My. Nghỉ hưu theo chế độ, bà tiếp tục được nhân dân tiến cử đảm nhận công việc làm Trưởng xóm”.
Có thể nói, trong thực tế còn rất nhiều tấm gương khác mà tác giả, nhân vật chưa được thể hiện trong khuôn khổ của một cuộc thi, chỉ có thể nói được rằng, Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên phát triển được chính là yếu tố con người mà các thầy, cô giáo đóng vai trò then chốt. Xin được trích dẫn bài viết của học sinh Vũ Phương Thảo (cựu học sinh Trường THPT Định Hóa năm 2014) đã cảm nhận về người thầy giáo của mình khi em chuẩn bị xa mái trường đi du học theo tiêu chuẩn học sinh giỏi quốc gia thay cho lời kết: “Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Thảng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó”.