Nghề du lịch thu hút học sinh, sinh viên

14:21, 04/11/2017

Là cơ sở đào tạo nghề du lịch quy mô lớn nhất tỉnh, nhiều năm gần đây, lượng học sinh, sinh viên (HSSV) theo học các ngành nghề đào tạo về du lịch tại trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch (Bộ Công thương) tăng mạnh. Trung bình mỗi năm, Nhà trường đào tạo từ 1,5 nghìn đến 1,7 nghìn HSSV theo học ngành du lịch, chiếm tỷ lệ tới gần 70% tổng số HSSV toàn trường.

Nghề du lịch được triển khai tại trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch từ những năm 2001-2002 với ngành đào tạo Trung cấp Nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn. Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, năm 2007, Nhà trường thành lập riêng Khoa Khách sạn - Du lịch, thu hút hàng trăm HSSV theo học nghề. Liên tục các năm sau đó, lượng HSSV theo học các ngành nghề về du lịch tại trường đều tăng.

Sau 10 năm thành lập, Khoa Khách sạn - Du lịch đã trở thành đơn vị dẫn đầu của Nhà trường với lượng đào tạo lên tới 1,5 nghìn đến 1,7 nghìn HSSV mỗi năm, chiếm khoảng 70% tổng số HSSV toàn trường. Nếu so với năm đầu thành lập, quy mô đào tạo các nghề du lịch thuộc Khoa Khách sạn - Du lịch hiện nay đã tăng hơn 10 lần.

Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường cho biết: Nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch của tỉnh ta và các tỉnh lân cận lớn là nguyên nhân chính khiến lượng HSSV đăng ký học các nghề du lịch tăng mạnh những năm gần đây. Cùng với đó, công tác quảng bá tuyển sinh cũng được Nhà trường chú trọng để thông tin đến gần hơn với học sinh. Chúng tôi kết hợp từ cách làm truyền thống đến quảng bá tại các trường THPT, THCS, đồng thời, vận dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua Internet để thông tin đầy đủ hơn về các chuyên ngành đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho người học. Qua đó, thu hút đông đảo HSSV theo học tại Trường. Qua theo dõi của Nhà trường, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp các ngành nghề đào tạo về du lịch tìm được việc làm đúng nghề đạt trên 80%, đây cũng là nguyên nhân thu hút đông đảo HSSV theo học các ngành nghề về du lịch.

Được biết, để chủ động thu hút HSSV và bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Thương Mại và Du lịch đã dành kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, đầu tư trang thiết bị dạy và học. Cô Phạm Thị Hạ, Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch cho biết: Riêng năm học 2016-2017, Khoa đã được Nhà trường đầu tư gần 2,5 tỷ đồng mua trang thiết bị giảng dạy và thiết bị tăng cường cho thực hành nghề. Chính vì thế, hiện nay khoa Khách sạn - Du lịch có hệ thống buồng, bàn, bar, bếp… rất hiện đại cho HSSV thực hành. Các thiết bị này đều tương đương với thiết bị của các nhà hàng, khách sạn lớn nên giúp cho HSSV sau khi ra trường có thể đảm đương tốt công việc trong thực tế môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Hiện tại, Trường Cao đẳng Thương Mại và Du lịch đào tạo cả 3 trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cho 17 ngành nghề đào tạo về du lịch như: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, Nghiệp vụ lễ tân… Theo thống kê của Nhà trường, Kỹ thuật chế biến món ăn và Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn là hai nghề có lượng HSSV theo học đông nhất với tổng số HSSV chiếm gần 50% lượng HSSV toàn trường. Mỗi năm, Nhà trường đào tạo trên 1 nghìn HSSV tốt nghiệp hai nghề này.

Trao đổi với chúng tôi, em Triệu Sinh Phương, xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), sinh viên lớp Trung cấp Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn K52 cho biết: Điều kiện gia đình không khá giả nên em muốn có công việc phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu của xã hội để dễ xin được việc làm sau khi học nghề. Năm tới, em sẽ tốt nghiệp và rất tự tin mình có thể xin được việc làm đúng nghề với mức thu nhập khá.

Cô Lê Thị Kim Dung cho biết thêm: Những năm gần đây, nhiều địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn qua, đó đã giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định: Đến năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Đây sẽ là “cú hích” khiến cho du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Vì thế, lĩnh vực đào tạo nghề trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều thí sinh đăng ký theo học các ngành nghề du lịch và chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.