Thầy giáo Hà Văn Siên, 67 tuổi, người dân tộc Nùng, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Võ Nhai chia sẻ với tôi như vậy khi kể lại những năm tháng ông đứng trên bục giảng, làm người “đưa đò” cho lớp lớp thế hệ học trò qua sông. Con người ông toát lên vẻ hiền lành, đức độ, mà như ông nói, làm thầy phải là tấm gương để học sinh soi vào.
Là anh cả trong gia đình có 10 anh chị em, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng ông vẫn gắng học với mong ước cháy bỏng là trở thành thầy giáo, góp phần mang ánh sáng tri thức đến với con em quê hương vùng cao. Ước mơ đó trở thành hiện thực ông khi tốt nghiệp Trường Sư phạm 10 + 3 Việt Bắc rồi tiếp tục học và tốt nghiệp Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Trong quá trình công tác tại Trường THPT Võ Nhai, gần 20 năm kinh qua các chức vụ Bí thư Chi bộ, Hiệu phó, được nhận nhiều danh hiệu và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng với ông, niềm vui lớn nhất là khi đứng trên bục giảng, trực tiếp truyền dạy kiến thức và kỹ năng sống cho học trò để các em trưởng thành, có ích cho xã hội. Là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, những kiến thức tưởng chừng khô khan trong sách giáo khoa được ông “thổi hồn” thành những bài học đạo đức nhẹ nhàng, sâu lắng.
Những năm đầu trong ngành, là chuyên viên Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện, kỷ niệm đáng nhớ với ông là những chuyến đi bộ công tác hàng tuần vòng quanh các xã phía Bắc của huyện, bị đói, mệt nhưng chưa khi nào chùn bước. Thời kỳ ông mới về Trường THPT Võ Nhai, ngành Giáo dục - Đào tạo gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đồng nghiệp chán nản bỏ nghề nhưng người thầy tâm huyết này không hề có suy nghĩ đó. Cùng vợ làm thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống, ông vẫn say sưa với công việc chính là một giáo viên. Hết mình với công việc, với học trò nên khi nghỉ hưu (năm 2010), ông không cảm thấy hối tiếc điều gì mà luôn tự hào với những cống hiến của mình. Ông chia sẻ: Điều day dứt, khổ tâm nhất của tôi khi làm thầy là phải kỷ luật học trò, nhưng cũng rất vui khi phần lớn các em đó đã sửa chữa để thành trò ngoan. Giáo dục đạo đức cho học sinh muốn thành công cần phương pháp tốt và quan trọng là nhân cách và cái tâm của người thầy…
Ngay sau khi nghỉ hưu, thầy giáo Hà Văn Siên đã tích cực tham gia Ban vận động rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Võ Nhai, từ năm 2013, ông đảm nhận chức Chủ tịch. Công tác hội không hề có chế độ, nhiều lần ông phải bỏ tiền của mình để lo việc chung. Đều đặn 2 buổi/tuần, đến trực ở văn phòng, một mình đi xe máy đến các hội cấp dưới (có xã cách trung tâm huyện gần 60km) để thăm hỏi hội viên, hướng dẫn, kiểm tra công tác hội. Với sự nhiệt huyết và sâu sát của ông, Hội Cựu giáo chức huyện Võ Nhai luôn được cấp trên đánh giá hoạt động hiệu quả, sáng tạo. Hội hiện có 238 hội viên, 2 năm gần đây đều được Tỉnh hội tặng Giấy khen, 2 hội cấp xã được Trung ương Hội công nhận là cơ sở hội vững mạnh. Cá nhân ông cũng mới được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Thầy giáo Hà Văn Siên quan niệm, còn sức khỏe và trí tuệ minh mẫn là còn có thể cống hiến, công tác hội tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Giáo dục phát triển sẽ là nhân tố quan trọng để xã hội tiến bộ.