Học sinh đến trường phải lội qua suối, nhiều chỗ nước cao đến đầu gối nên có em bị trượt chân ngã ướt sũng quần áo và sách vở. Ước mơ có những đập tràn là mong mỏi của người dân chúng tôi bấy lâu nay - đó là tâm sự của ông Phạm Văn Soát, Trưởng thôn Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa).
Từ trung tâm huyện đến thôn Khuôn Tát chúng tôi phải men theo những con đường đất nhỏ, gập ghềnh sỏi đá và chia cắt bởi nhiều dòng suối. Thôn nằm lọt thỏm giữa dãy núi Khau Tỏa và Khau Quịt nên nhiệt độ ở đây thường lạnh hơn bên ngoài 2-3 độ C. Vì thế, đã gần về trưa mà sương mù vẫn chưa tan hết. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều học sinh lội suối về nhà sau giờ tan học buổi sáng. Cháu Ma Đình Việt, học sinh lớp 5, điểm Trường Tiểu học Khuôn Tát cho biết: Đoạn đường từ nhà chúng cháu đến điểm trường khoảng 2km nên ai cũng đi bộ đi học, trên đường đi phải lội qua 4 dòng suối. Mùa đông nước lạnh nhưng không lội qua suối thì không thể có mặt ở lớp học.
Toàn thôn Khuôn Tát hiện có 20 học sinh, phần nhiều là con hộ nghèo, cận nghèo và thuộc thành phần dân tộc thiểu số (Tày hoặc Dao). Trong đó, có 8 học sinh học tại điểm Trường Tiểu học Khuôn Tát và 12 học sinh cấp 2, 3 đi học cách xa nhà từ 6-20km. Các cháu chủ yếu đi bộ hoặc tự đạp xe qua suối đến trường, có những cháu nhỏ khi đi qua do bước hụt vào chỗ sâu hoặc trượt chân ngã khiến quần áo và cặp sách ướt sũng. Nếu đi xe đạp mà không chắc tay lái cũng rất dễ ngã vì đá dưới suối lổn nhổn và rêu trơn.
Ông Phạm Văn Soát cho biết thêm: Để các cháu đi lại dễ dàng hơn, chúng tôi huy động bà con đến suối kê đá, chèn bao tải cát hoặc ghép ván gỗ qua suối, song vài tuần là mọi thứ lại bị sập xô, cập kênh. Cũng vì đi lại khó khăn, nhiều gia đình đã phải cho con mình thuê trọ hoặc gửi con nhờ người thân ở gần trường học. Chị Nông Thị Hà có con học tại Trường THCS Phú Đình giọng buồn rầu: Mặc dù trường học chỉ cách nhà khoảng 6 cây số nhưng vì không muốn con lặn lội đạp xe qua suối, gia đình đã cho các cháu thuê trọ gần trường để đi học.
Không khác học sinh ở thôn Khuôn Tát, 30 học sinh ở thôn Sự Thật, xã Quy Kỳ (Định Hóa) cũng rất vất vả khi đến trường. Thôn bị chia cắt bởi 9 dòng suối sâu và rộng nhưng chỉ có 3 đập tràn do đơn vị hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhiều năm về trước. Vào những ngày mưa lớn, thôn bị cô lập, các cháu buộc phải nghỉ học. Đầu năm 2017, mỗi hộ dân ở đây đóng góp 500 nghìn đồng để mua dầm bê tông dài 7-9m và ghép ván gỗ bên trên để làm thành 3 cây cầu tạm cho các cháu đi học. Nhưng trận mưa lũ vừa qua, nhiều cây cầu này đã bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng, không thể đi lại được. Còn đối với xóm Làng Vẹ, xã Định Biên (Định Hóa) hiện còn 7 cháu học sinh ở suối Làng Vẹ phải đi qua cầu làm bằng tre để đến trường. Vào mùa mưa nước ngập sâu, nhiều phụ huynh phải cõng các cháu qua suối.
Ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nói: Học sinh lội suối đến trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Còn ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Định Hóa cho biết: Hiện nay, huyện có ít nhất 9 cây cầu tạm tại các xã Kim Phượng, Bảo Cường, Bình Thành, Tân Thịnh và 11 đập tràn tại thôn Khuôn Tát, Sự Thật và xóm Làng Vẹ cần phải được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, huyện còn khó khăn về kinh phí nên chưa thể đầu tư xây dựng. Trong số các địa phương trên có thôn Khuôn Tát và Sự Thật hiện đang nằm trong vùng quy hoạch của Dự án hồ thủy lợi Khuôn Tát và Sự Thật. Tuy nhiên do thiếu kinh phí đầu tư nên dự án đã “treo” nhiều năm qua và người dân trong thôn đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
Từ thực trạng này, rất mong cơ quan chức năng quan tâm, sớm đầu tư hai dự án hồ thủy lợi thôn Khuôn Tát và Sự Thật; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho huyện xây dựng thêm cầu và đập tràn tại các địa phương nói trên để người dân và các cháu học sinh đi lại an toàn.