Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục

14:45, 22/01/2018

Những năm gần đây, huyện Phú Bình cũng đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đến Trường THCS Tân Đức (xã Tân Đức), chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui của cô và trò nhà trường khi được học trong lớp học khang trang, sạch đẹp trong đầu tháng 1 vừa qua. Cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi: Trước đó, dãy nhà cấp 4 của Nhà trường được xây dựng từ năm 1995 nên không đáp ứng được việc dạy và học. Được huyện Phú Bình quan tâm, trường đã được xây dựng công trình với 14 phòng, lớp học với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng, đáp ứng việc học tập của trên 500 học sinh ở 4 khối lớp. Năm qua, Nhà trường cũng được hỗ trợ thêm gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Xây dựng Nông thôn mới để tiến hành xây dựng các hạng mục: cổng trường, bồn hoa cây cảnh, khuôn viên, đổ bê tông và lát gạch gần 10.000m2 sân trường; được ngành Giáo dục huyện đầu tư xây dựng phòng thực hành và phòng thí nghiệm với đầy đủ các đồ dùng, giáo cụ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Với việc cơ sở hạ tầng giáo dục ngày càng được hoàn thiện, phục vụ tốt cho công tác dạy và học đã góp phần đưa Nhà trường vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2016-2017 và được công nhận lại Trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn lần thứ 3 giai đoạn 2016-2021 trong năm 2017.

Không riêng Trường THCS Tân Đức, nhiều trường học khác trên địa bàn huyện cũng đã được đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình phòng lớp học như THCS Thượng Đình; THCS Trần Phú (xã Điềm Thụy); Trường Tiểu học Nga My... Theo ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện: Trung bình mỗi năm, huyện Phú Bình đầu tư trên mười tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu dạy học ở cả 3 cấp học, từ mầm non đến THCS. Riêng năm 2017, huyện đã triển khai xây dựng 11 công trình với 104 nhà lớp học với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa 5 nhà hiệu bộ của các trường với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Đây được coi là năm huyện triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giáo dục nhiều nhất từ trước đến nay.. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn trên 400 phòng học xuống cấp, thiếu 165 phòng học do chưa được đầu tư; số phòng học phải bố trí 2 ca là 42 phòng, thiếu 375 phòng công vụ và phòng chức năng…

Xác định vai trò quan trọng của cơ sở vật chất trường học đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, hằng năm, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện đều tham mưu với UBND huyện, Sở Giáo dục và đào tạo, các cấp ngành về việc đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Năm 2016, huyện Phú Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đặt ra những mục tiêu cụ thể.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, việc mua sắm các thiết bị dạy học, đồ chơi, xây dựng thư viện cũng được Phòng Giáo dục và đào tạo, các nhà trường đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, huyện cũng dành một khoản kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục, nguồn tiết kiệm chi để mua sắm, sửa chữa các thiết bị dạy và học. Cùng với đó, nhiều trường học còn triển khai phong trào tự làm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nhờ đó mà cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường từng bước được hoàn thiện. Đến nay có 19/20 trường THCS và 100% trường tiểu học có thư viện và thiết bị dạy học đạt chuẩn.

Với sự nỗ lực đó, đến nay Phú Bình đã có 52/64 trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường, lớp học đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, với mục tiêu đến năm 2020, 100% trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia thì huyện rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn vốn của các cấp trên và sự đồng lòng của các địa phương, người dân để huyện sớm hoàn thành kế hoạch theo đúng lộ trình đề ra.