Tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực học sinh

09:24, 31/01/2018

Mặc dù chưa chính thức có Quy chế tuyển sinh THCS và THPT năm học 2018-2019, nhưng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh 2018 được công bố đã nhấn mạnh việc tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực của học sinh. Thông tin này đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những băn khoăn của phụ huynh, học sinh về áp lực thi cử.

Chia sẻ về những thông tin về dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh năm 2018, đồng chí Lê Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên cho biết: “Hiện tại khi chưa có những hướng dẫn, quy chế chính thức, về tổng quan tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Dù tuyển sinh bằng hình thức nào thì việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn". Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công thì mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực. Như vậy, quy chế mới của dự thảo Thông tư hướng tới áp dụng cho các trường THCS chất lượng cao”.

Được biết trên địa bàn T.P Thái Nguyên năm 2018 có hai trường THCS sẽ có số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh tăng với so với chỉ tiêu là THCS Chu Văn An và THCS Chùa Hang 2. Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường THCS Chu Văn An là 200 học sinh, hàng năm có lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh vượt từ 200-300; Trường THCS Chùa Hang 2 có chỉ tiêu 150 học sinh, hàng năm lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh tăng từ 100-200.

Điểm mới mà Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên dự kiến là sẽ đưa thêm nội dung đánh giá, kiểm tra năng lực môn tiếng Anh của học sinh, thay vì xét năng lực tiếng Anh qua học bạ như những năm trước. Như vậy học sinh sẽ phải thực hiện kiểm tra môn Toán, Văn và tiếng Anh.

Qua trao đổi, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trường Trường THCS Nha Trang, T.P Thái Nguyên ủng hộ điểm mới của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và cho rằng: “Hiện tại, chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, khi thực hiện tuyển sinh bằng việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì chất lượng tuyển sinh lớp 6 nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung sẽ được nâng lên, bởi sẽ đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực của học sinh. Ngoài ra, việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học, bởi đòi hỏi giáo viên không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp. Đối với học sinh tiểu học thì năng lực được hình thành trong suốt quá trình học tập, rèn luyện từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp quản lý tốt, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khi tạo ra áp lực thi cử”.

Chia sẻ về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Đối với Trường THCS Nha Trang, những năm qua, thực hiện theo chỉ đạo của ngành, việc xét tuyển đầu vào của lớp 6 có khó khăn do hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu xét tuyển. Bên cạnh đó, do xét tuyển nên dẫn tới còn có hiện tượng hồ sơ bậc tiểu học của học sinh không đúng thực chất nên trong quá trình học, một số học sinh có điểm ưu tiên vượt trội, có hồ sơ bậc tiểu học rất đẹp nhưng không phản ánh khách quan đúng năng lực học sinh.

Có thể nói, mục tiêu đổi mới giáo dục vẫn là hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học và phản ánh đúng năng lực người học để tiếp tục có những phương pháp dạy học tốt hơn, phân luồng học sinh chính xác hơn. Từ đó mới có được những chiến lược về đào tạo nghề, đào tạo nhân lực theo từng lĩnh vực. Trước điểm mới của dự thảo về tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực của học sinh, các trường tiểu học trên địa bàn cần quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục. Khi tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì giáo viên cấp tiểu học không thể dạy các em học thuộc lòng, học vẹt, mà phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu khảo sát năng lực. Học sinh cũng cần tích cực học tập, phát triển tư duy, vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề. Về phía phụ huynh học sinh, nếu tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh sẽ không còn tình trạng một số phụ huynh “chạy” hồ sơ, học bạ “đẹp” cho con nữa mà cần tăng cường sự phối kết hợp với nhà trường động viên con em học tập nghiêm túc ngay từ khi các em bước vào học lớp 1.