Đóng góp của đại học (ĐH) tư thục cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) là không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước, mà còn góp phần đa dạng hoá hệ thống giáo dục, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục” để góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 22/1 tại TPHCM, các nhà quản lý, chuyên gia, hiệu trưởng các trường ĐH đều cho rằng, những năm gần đây giáo dục ĐH tư thục đã và đang chứng kiến những bước phát triển ngoạn mục trên các châu lục. Trong đó, giáo dục ĐH tư thục của châu Á có sự tăng trưởng cao nhất: Đã thu hút tới 35% trong tổng quy mô sinh viên và chiếm tới gần 60% tổng số lượng cơ sở trường học.
Ở Việt Nam, trong hai thập kỷ qua, GDĐH tư thục đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như năm 1993 Việt Nam mới có trường ĐH tư thục đầu tiên, năm 1994 có 5 trường, thì vào cuối năm 2016 đã là 60 trường (trên tổng số 271 trường ĐH). Trường ĐH tư thục thu hút khoảng 13% tổng số sinh viên trong cả hệ thống.
Theo TS. Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (2016-2020), ĐH tư thục về bản chất là hướng tới phục vụ nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, ĐH tư thục sẽ nhanh nhạy, linh hoạt hơn để nắm bắt nhu cầu, từ đó đáp ứng được những đòi hỏi thay đổi thường xuyên của thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, các trường ĐH trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn với các trường trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, khi tiến bộ công nghệ diễn ra với tốc độ “chóng mặt” sẽ rất khó khăn trong việc dự báo tương lai của giáo dục-đào tạo, thì với bản chất linh hoạt của mình, ĐH tư thục sẽ có nhiều ưu điểm nổi trội trong quá trình phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.
Chính nhờ những đặc điểm đó, các trường ĐH tư thục đã nhanh chóng cải thiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo để thu hút người học. Động lực thị trường là động lực mạnh mẽ nhất đã khiến các trường đa dạng hoá ngành học, tìm kiếm người giỏi, tăng cường quốc tế hoá để đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu thị trường. Đây chính là những thành tựu của hệ thống ĐH tư thục mà chúng ta không thể phủ nhận.
Khi mà nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, nhu cầu về nguồn nhân lực đang đặt ra rất lớn, thì sự phát triển của hệ thống ĐH tư thục đã góp phần giảm áp lực về đào tạo nhân lực cho xã hội và đặc biệt đã chia sẻ gánh nặng chi phí cho GDĐH ngày càng tăng của Chính phủ. Đồng thời, hệ thống này cũng mở rộng tiếp cận GDĐH, đáp ứng nhu cầu GDĐH trong bối cảnh năng lực tuyển sinh của các trường ĐH công lập.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, hiện nay, các trường ĐH tư thục cũng bộc lộ một số khiếm khuyết như: Chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, thu nhập dựa vào học phí, coi trọng lợi nhuận, chưa tập trung cho nghiên cứu khoa học... Có những trường không có chiến lược phát triển lâu dài, không kịp chuyển mình nên đã dần giảm sút về chất lượng đào tạo.
Hai ‘kịch bản’ phát triển GDĐH tư thục ở Việt Nam
Theo GS.TS Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), ở tầm vĩ mô, các chiến lược phát triển GDĐH phải xây dựng và nhất quán được mô hình phát triển hệ thống ĐH tư thục như thế nào? Cách thức vận hành ra sao? Chỉ có xác định rõ mô hình thì chúng ta mới có thể xây dựng những định chế, quy định phù hợp để phát triển.
Hơn nữa, những vấn đề chính sách mà Việt Nam đang phải giải quyết đều liên quan đến sự cân nhắc việc phát triển phù hợp của GDĐH tư thục trong mối quan hệ hữu cơ với GDĐH công lập, hay cụ thể hơn là mức độ áp dụng cơ chế thị trường trong các trường này.
Từ những phân tích trên, GS.TS Nguyễn Lộc đưa ra hai “kịch bản” phát triển GDĐH tư thục dựa trên quan hệ giữa GDĐH công và tư.
Kịch bản thứ nhất, GDĐH công lập sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo (90%) và GDĐH tư thục chiếm tỷ trọng thấp (10%-14%).
Thực tế, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát triển GDĐH tư thục giữa thấp và trung bình thấp. Đặc biệt gần đây, việc đưa ra các chính sách khuyến khích các trường ĐH công lập tự chủ trên cơ sở tự chủ tài chính, khuyến khích áp dụng các cơ chế thị trường trong các trường công lập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, tăng cường khả năng mở rộng quy mô đào tạo của GDĐH công lập nói riêng và GDĐH của Việt Nam nói chung.
Kịch bản này có những nét gần giống mô hình GDĐH của nước Anh - nơi tỷ trọng các trường ĐH công lập áp đảo và các trường này hoàn toàn tự chủ về nguồn thu học phí. Nếu kịch bản này tiếp tục triển khai sẽ có những thuận lợi tốt về bối cảnh, sự ủng hộ của đa số, sự phù hợp về cơ chế.
Tuy nhiên, nhược điểm đáng lo ngại nhất của kịch bản này là tỷ trọng các trường ĐH công lập tự chủ chưa nhiều nên quá trình tự chủ hóa bị kéo dài, do vậy ngân sách Nhà nước vốn đã ít vẫn tiếp tục bị dàn trải.
Ở kịch bản thứ hai lại đẩy mạnh sự phát triển của GDĐH tư thục theo tỷ lệ 40% trên tổng nền giáo dục ĐH theo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
Kịch bản này có những nét gần giống mô hình GDĐH của Mỹ và Malaysia - nơi tỷ trọng các trường ĐH công lập có nhỉnh hơn so với tỷ trọng các trường ĐH tư thục. Việc triển khai kịch bản hai rõ ràng khó khăn hơn kịch bản một do những rào cản về định kiến, thói quen và cơ chế quản lý hiện nay.
Tuy nhiên, ưu điểm lớn của kịch bản hai có khả năng giữ vững hoặc giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước dành cho GDĐH, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài Nhà nước, tạo khả năng nâng cao chi phí GDĐH trên đầu sinh viên, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước bắt kịp trình độ GDĐH khu vực và quốc tế.
“Như vậy, việc xem xét lựa chọn một trong hai kịch bản sẽ phụ thuộc vào chiến lược phát triển tổng thể nền GDĐH của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Bởi vì, sự phát triển của GDĐH tư thục nằm trong mối quan hệ hữu cơ với GDĐH công lập”, GS.TS. Nguyễn Lộc cho biết.