Các trường đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ ngành đào tạo giáo viên

09:45, 02/02/2018

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với một số điểm thay đổi. Trong đó, quan trọng là thay đổi các nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường đại học.  

Dự thảo Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ so với Thông tư 32 hiện hành có một số điểm mới. Theo đó, dự thảo Thông tư mơ đề ra hai mục tiêu: Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động; Thực hiện công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của cơ sở giáo dục để các cơ quan quản lý nhà nước xác thực thông tin, thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn.

Một số điểm mới cơ bản trong quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, cụ thể: Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên.

Một điểm mới quan trọng nữa là bên cạnh giảng viên cơ hữu, các giảng viên thỉnh giảng cũng được tính để quy đổi, trừ các ngành đào tạo giáo viên.

Theo quy định mới, các cơ sở giáo dục đại học sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hai tiêu chí: Số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục và tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Dự thảo quy định mới có nâng lên ở tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu tính trên một sinh viên chính quy, không thấp hơn 2,8 m2 và yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Dự thảo đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp đến ngày 26-2.