Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã vinh dự được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý, chỉ tính 5 năm gần đây (2013-2017): 1 Huân chương Hữu nghị của Nước CHDCND Lào; 8 Cờ thi đua xuất sắc (1 Cờ của Chính phủ, 3 Cờ của Bộ GD&ĐT, 3 Cờ của tỉnh Thái Nguyên và 1 Cờ của Bộ Công an); 27 Bằng khen của các tỉnh, Bộ, ngành cho tập thể Trường. Đặc biệt, năm 2016, Trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Chiếc nôi của sự nghiệp trồng người
Đây là một thành tựu lớn tạo nên giá trị truyền thống và bản sắc của ngôi trường mà tiền thân là chiếc nôi đào tạo sư phạm cho cả vùng Việt Bắc rộng lớn. Truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển đã tạo nền tảng cho Trường tiếp tục mở rộng vùng tuyển sinh trong cả nước, nâng cao năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thực hiện đào tạo lưu học sinh quốc tế. Hiện nay đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường là 167 người (chiếm 45%), Trường có 33 giáo sư và phó giáo sư, 221 thạc sĩ, 2 nhà giáo nhân dân, 12 nhà giáo ưu tú và đang có 70 giảng viên học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong công cuộc đổi mới, mỗi giảng viên của nhà trường đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới đó là: Giảng viên phải là Nhà chuyên môn giỏi, Nhà giáo dục , Nhà khoa học, Nhà tư vấn giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, Nhà hoạt động và phản biện xã hội...
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, là một trong những trường sư phạm trọng điểm của quốc gia, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã và đang có những bước đi tích cực đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Với quan điểm xây dựng trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên, mà phải trở thành môi trường đào tạo ra những nhà giáo dục cho tương lai, Nhà trường đã tập trung xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm đáp ứng xu hướng chuẩn hóa mà quốc tế đang coi trọng. Năm 2017, Trường chính thức hoàn thành kiểm định chất lượng đại học theo tiêu chuẩn quốc gia do do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện và đã được Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Với kết quả đánh giá 52/61 tiêu chí đạt yêu cầu, chiếm tỉ lệ 85,2 % cho thấy vị thế và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đứng ở tốp đầu trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam nói chung và các trường đại học sư phạm nói riêng. Thông qua kết quả kiểm định chất lượng giáo dục giúp các cơ sở giáo dục có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định; giúp các cơ sở giáo dục định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Đồng thời là lời tuyên bố chắc chắn với xã hội về chất lượng của cơ sở giáo dục và thương hiệu của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Cơ sở vật chất của Trường ngày càng hiện đại đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
\Bên cạnh đó, Trường đã triển khai chương trình phát triển các trường sư phạm (thuộc chương trình ETEP) để nâng cao năng lực Nhà trường thông qua các nhiệm vụ: Hoàn thiện sứ mạng tầm nhìn của Nhà trường trong giai đoạn cách mạng CN 4.0; khảo sát năng lực và nhu cầu bồi dưỡng CBQL, giáo viên phổ thông tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; bồi dưỡng nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; đánh giá năng lực trường và xây dựng kế hoạch hoạt động nâng cao năng lực giai đoạn 2017-2022.
Sức hút từ hoạt động nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế
Những năm gần đây, hoạt động đào tạo của Trường luôn gắn liền thực tế và nghiên cứu khoa học; ứng dụng, chuyển giao thành quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Chỉ trong vòng 5 năm (2012-2017), Trường đã thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) trọng điểm cấp Nhà nước; thực hiện 51 đề tài NCKH cấp Bộ; đã công bố 1.245 bài báo, 189 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín (trong đó có 80 bài trong hệ thống ISI và 4 bài Scopus). NCKH của sinh viên có thứ hạng cao trong giải thưởng sinh viên NCKH toàn quốc 5 giải nhì, 10 giải ba, 11 giải khuyến khích. Olympic 2 giải nhất, 15 giải nhì, 26 giải ba, 8 giải khuyến khích.
Tham dự và đạt giải 3 tại vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FameLab 2017”. Năm 2017, lần đầu tiên trường đưa sinh viên đi thực tập tại hệ thống giáo dục Vinschool, được đánh giá cao và đã có 5/14 sinh viên được Vinschool tuyển dụng làm giáo viên khi chưa tốt nghiệp. Đặc biệt, Trường đã chuyển giao thành công 6 đề tài khoa học và công nghệ cho các địa phương, đó là các đề tài: “Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tỉnh miền núi”; “Cung cấp học liệu cho giáo viên”; “Bồi dưỡng đổi mới phương pháp có ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán THPT và THCS”; “Quy trình khai thác nội dung chương trình các môn học (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý) cho giáo viên THPT”; “Nghiên cứu biên soạn tài liệu bồi dưỡng môn ngữ văn cho học sinh THPT tỉnh Thái Nguyên”; “Nghiên cứu triểnkhai bồi dưỡng thường xuyên môn Địa lý bằng hình thức đào tạo từ xa cho giáo viên THPT tỉnh Thái Nguyên”... Thông qua kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ được công bố trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút hàng trăm lượt sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia để học tập, nghiên cứu mỗi năm.
Đến năm học 2017-2018, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 20 quốc gia và ký kết nhiều hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, Trường đã tiếp nhận đào tạo, bồi dưỡng trên 600 sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh nguồn lực về đội ngũ, Trường đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hiện đại hóa hệ thống phòng học, phòng nghiên cứu, thí nghiệm và môi trường dạy và học hiện đại, khang trang, sạch, đẹp. Đây thực sự là môi trường sư phạm dân chủ, trí tuệ và sáng tạo.
Để triển khai thành công các mục tiêu nhiệm vụ đổi mới giáo dục, Nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao chất lượng đội ngũ đạt chuẩn giảng viên hiện đại, trọng tâm là năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và tin học; phát triển chương trình đào tạo; xây dựng và triển khai các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong tổ chức đào tạo và bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước; tham gia tái cấu trúc hệ thống các trường sư phạm và tái cấu trúc Nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đón Xuân mới tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường quyết tâm hoàn thành xứ mạng đào tạo nguồn nhân lực giáo viên và nhà giáo dục chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập Quốc tế.