Sau 23 năm đổi mới, đặc biệt là sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học đã cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học, hàng vạn lao động có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp xu thế và tốc độ phát triển của khu vực và thế giới, đặc biệt là chưa thích ứng kịp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Sau 23 năm đổi mới, chúng ta đã thay đổi nhưng các thay đổi đó còn rất ít, không mang tính đột phá, quản lý điều hành hệ thống các trường đại học vẫn theo phương thức kế hoạch hóa, tập trung, cơ chế xin cho còn quá nặng nề.
Câu hỏi đặt ra là: Đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng vừa nêu? Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi xin mạnh dạn nêu quan điểm về vấn đề này như sau: Thứ nhất: Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thành công, chúng ta cần vận hành nền kinh tế theo đúng quy luật, các thực thể của nền kinh tế là các doanh nghiệp phải được tự do quyết định quá trình sản xuất kinh doanh trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chính nhờ áp dụng quy luật thị trường nên nền kinh tế đã có những bước tiến ngoạn mục. Nằm trong xu thế đó, để thúc đẩy phát triển cần coi các trường đại học là các doanh nghiệp, một loại doanh nghiệp đặc biệt, doanh nghiệp phi lợi nhuận, sản phẩm của doanh nghiệp này là các cán bộ kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật và các công nghệ mới. Là doanh nghiệp các trường có quyền quyết định các vấn đề về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm xét tuyển, quy mô sinh viên, học phí, số lượng biên chế và mức lương, v.v…Điều này không có gì mới vì hầu hết các nước đều áp dụng như vậy và họ đã thành công.
Thứ hai: Cần thay đổi cách quản lý điều hành của Nhà nước đối với các trường đại học, giảm dần các chính sách áp đặt của Bộ chủ quản và các Bộ liên quan. Mạnh dạn bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường đại học. Thông qua các chính sách vĩ mô như cung cấp học bổng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn và theo đặt hàng… Nhà nước, các Bộ hoàn toàn có thể điều hành các trường đại học theo hướng vừa đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội cho các đối tượng, các vùng thiệt thòi vừa phát huy được hết các nguồn lực khác đầu tư cho giáo dục...
Thứ ba: Nếu coi các trường đại học là các doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề rất lớn hiện nay đó là: hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin cho dẫn tới tư tưởng ỷ lại vào nhà nước của các trường công lập; tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học công lập và dân lập; giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa xuất đầu tư và chất lượng đào tạo; thông qua cơ chế trả lương do các trường quyết định sẽ thu hút được nhân tài trong và ngoài nước, giảng viên có trình độ cao yên tâm cống hiến và phục vụ lâu dài…
Vấn đề tự chủ đại học đã được nêu ra cách đây hàng chục năm, cũng đã tốn nhiều thời gian, tiền bạc cho các cuộc hội thảo, hội nghị và cũng tốn không ít giấy mực bàn luận trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khác, mặc dù vậy, kết quả thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Tin vui đã đến, hy vọng đã được thắp lên, Chính phủ nhận thấy đã đến lúc cần thay đổi, giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng phát triển chậm trễ, ì ạch của hệ thống giáo dục đại học, đó là vấn đề cơ chế quản lý, vận hành. Bằng việc ban hành dự thảo Nghi định tự chủ đại học công lập, hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi vừa qua, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm đổi mới tận gốc, đổi mới căn bản nền giáo dục. Đây là con đường duy nhất để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Việc sớm ban hành Nghị quyết một lần nữa chứng minh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện cam kết xây dựng chính phủ kiến tạo để phát triển đất nước.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn câu nói của Phó Tthủ tướng Vũ Đức Đam với thầy và trò Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên trong chuyến công tác nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định tự chủ đại học công lập tại Thái Nguyên, ngày 13 tháng 12 năm 2017 vừa qua: “Các thầy cô và các em sinh viên có đề xuất, kiến nghị gì thì hãy đề xuất trực tiếp với thầy Ttrưởng khoa, thầy Giám đốc Đại học vì sắp tới khi ban hành Nghị định tự chủ, tương lai của Khoa, của Đại học do chính các thầy cô và các em sinh viên quyết định, Chính phủ, Bộ đã giao hết quyền rồi, có gì mà quyết định nữa. Khoa Quốc tế đang đi đúng hướng, thu hút được nhiều giảng viên và sinh viên quốc tế đến giảng dạy và học tập, sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng mềm và trình độ tiếng Anh tốt, tất cả đều có việc làm với thu nhập cao ngay sau khi tốt nghiệp, tôi tin tưởng nếu được tự chủ Khoa sẽ ngày càng phát triển”.
Câu nói của Phó Thủ tướng như liều thuốc bổ, vô cùng giá trị tạo niềm tin và hy vọng vào tương lai không chỉ cho thầy, trò khoa Quốc tế Đại học Thái Nguyên mà cho tất cả giảng viên, sinh viên các trường đại học trong cả nước.