Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 26-2 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học và của dư luận. Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm sẽ là công cụ để các cơ sở đào tạo giáo viên đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên và xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng giảng viên. Tuy nhiên, do số lượng và mô hình đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay tương đối đa dạng, việc sử dụng Chuẩn cần tính đến đặc thù vùng, miền, cũng như lĩnh vực đào tạo.
Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm đưa ra các yêu cầu của việc đánh giá mức năng lực giảng viên, phương pháp đánh giá năng lực giảng viên, quy trình đánh giá, thậm chí chi tiết và cụ thể hơn là các câu hỏi, gợi ý tìm minh chứng. Đây là những thông tin rất cần thiết để các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chuẩn nghề nghiệp nhằm đánh giá, xếp loại và bồi dưỡng giảng viên của mình. Tuy nhiên, các trường không bị đóng khung trong các quy định của chuẩn bởi đây mới chỉ là những hướng dẫn mang tính chất định hướng, gợi mở.
Trước yêu cầu về đổi mới giáo dục phổ thông, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho rằng: Xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm là nhu cầu cấp bách và thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là căn cứ giúp giảng viên đánh giá được năng lực nghề nghiệp bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp. Theo kinh nghiệm các nước, trên cơ sở khung năng lực nghề nghiệp chung do các hiệp hội giảng viên sư phạm ban hành, các trường sư phạm sẽ cụ thể hóa thêm những năng lực này cho phù hợp với từng trường. Chuẩn nghề nghiệp của các nước đều được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi trong chu kì từ 3-4 năm để phù hợp với điều kiện thực tiễn luôn luôn biến đổi. Căn cứ trên điều kiện đội ngũ giảng viên và của Nhà trường, đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, vùng, miền, địa phương, các trường sư phạm cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho giảng viên. Đồng thời xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể triển khai thực hiện chuẩn một cách phù hợp, tiết kiệm, giảm thiểu những áp lực không cần thiết đối với giảng viên. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hệ thống chế độ, chính sách đối với những giảng viên đạt mức Khá và Tốt trong mức phát triển năng lực được mô tả trong chuẩn.
Việc các cơ sở đào tạo giáo viên cụ thể hóa các nội dung của chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm góp phần đưa bộ chuẩn sớm được thực hiện, tạo ra tính gắn kết giữa văn bản pháp luật và thực tiễn đời sống. Đối với các trường đại học sư phạm hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu thực sự trở thành nhu cầu cấp bách. Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm là khung năng lực tham chiếu để cơ sở đào tạo đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên. Từ đó xây dựng dựng kế hoạch, chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên. Đồng thời đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ khoa học đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên, là dữ liệu tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Trong chuẩn này bao gồm ý tứ đánh giá hiện trạng, hướng tới mức độ cao để các giảng viên hướng tới chuẩn quốc tế.
Còn với Nguyễn Thị Ngọc Yến, sinh viên năm thứ ba, Khoa Ngữ văn K49 Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: “Các tiêu chuẩn này sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của một giảng viên đúng nhất và hiệu quả nhất. Thông qua kết quả đánh giá, cơ sở đào tạo có thể nhận định chính xác, sàng lọc được những giảng viên có thể đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, giúp môi trường đào tạo sư phạm thực sự đạt chất lượng cao. Tôi rất tâm đắc với tiêu chuẩn 4 và 5: Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội. Có thể nói hai tiêu chuẩn này thể hiện đầy đủ vai trò toàn diện của giảng viên sư phạm trong nhà trường và xã hội. Nếu tiêu chuẩn 4 nhấn mạnh mối quan hệ của giảng viên với cơ sở đào tạo, với người học, đặc biệt chú trọng việc tạo ra một môi trường sư phạm thực sự dân chủ và sáng tạo thì tiêu chuẩn 5 đánh giá vai trò của giảng viên trong xã hội, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông và các tổ chức nghề nghiệp”.
Có một thực tế, với giảng viên đại học có đặc điểm riêng, mặc dù có thể họ không được đào tạo thành giảng viên mà họ là nhà khoa học, được giữ lại giảng dạy nên phần nghiệp vụ sư phạm, năng lực sư phạm còn hạn chế, đây là điều trong chuẩn giảng viên sư phạm đang quan tâm. Năng lực nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học giáo dục, nghiên cứu phát triển chương trình, nghiên cứu đặc điểm tâm lý sinh viên, dẫn dắt giáo dục phổ thông là những điểm còn thiếu của giảng viên sư phạm. Khi xây dựng bộ chuẩn giảng viên sư phạm có ý nghĩa lớn ở chỗ, một số nhà khoa học ở trường đại học sư phạm trước đây chỉ chú tâm vào nghiên cứu cơ bản, giảng dạy những vấn đề khoa học thuần túy, khi có chuẩn, buộc các thầy phải hướng tới nghiên cứu cơ bản, ứng dụng hướng đến nghiệp vụ, hướng đến giáo dục phổ thông, hướng và dẫn dắt các thế hệ trẻ, đó là sứ mạng của người thầy.