Với chương trình hành động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương lao động sáng tạo, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ”, Trường đã trở thành điểm sáng của Đảng bộ huyện Định Hóa về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Hiệu quả không chỉ là những giáo án mấu, bài giảng hay mà đã tạo sức hấp dẫn từ phương pháp dạy và học mới - Phát huy tính sáng tạo người học, lấy học trò làm trung tâm.
Tháng Năm, nắng vàng như trải thảm khắp các nẻo đường về ATK Định Hóa. Tiếng trống tan trường chiều cuối tuần vang lên dưới chân đèo De như hối thúc một mùa thi nữa sắp về. Đám học trò ùa ra sân vườn, mỗi người một khoảnh đất nhỏ cùng chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, dọn vệ sinh sân trường. Còn phía phòng làm việc các tổ bộ môn, mỗi giáo viên một máy tính sắp xếp lại thứ tự phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức ôn tập, bồi dưỡng và dạy học cải thiện rồi đẩy lên hệ thống quản lý chung của Trường cho bộ phận chuyên môn Hành chính - nội trú sắp xếp thời gian, phòng học...
Đồng chí Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Yên - Nông Thị Hảo cho chúng tôi biết: “Kể từ năm học 2016-2017, sau khi quán triện Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ Trường đã xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng vị trí công tác, lấy hiệu quả, chất lượng công việc làm thước đo đánh giá hàng tháng. Với giáo viên thì ngày cuối tuần dịp cuối tháng là thời điểm tự đánh giá, tự phân loại và tự lập kế hoạch làm việc cho bản thân hiệu quả tốt hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm cụ thể hơn. Mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức,người lao động phải đăng ký một việc làm thiết thực trong mỗi quý, một hoạt động đổi mới trong 1 năm. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa chủ đề học tập phong cách, đạo đức Bác Hồ: Nêu gương gắn với trách nhiệm cá nhân, tạo ra môi trường thi đua phát huy dân chủ trong trường học”.
Do điều kiện mặt bằng kinh tế-xã hội tại địa phương còn khó khăn, Trường thực hiện cùng lức hai nhiệm vụ là tổ chức mô hình THCS, THPT với gần 1.000 học sinh, bên cạnh đó tổ chức nội trú cho trên 200 học sinh THCS thuộc vùng khó khăn của huyện. Chính vì vậy, đối tượng học sinh tuyển sinh vào đầu cấp chủ yếu mang tính đại trà và phục vụ nhu cầu nâng cao trình độ dân trí trong vùng. Từ thực tế đó, chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng. Thầy giáo Ma Văn Đạo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Gần 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lại là gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp, nên hoạt động học tập dễ bị phân tâm, chất lượng không cao. Về đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và giáo viên cũng chưa nỗ lực hết sức”.
Cuối năm 2016, Khi xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Chi bộ Trường THPT Bình Yên đã đăng ký thi đua với Đảng bộ huyện, hàng quý tổ chức kiểm điểm và báo công tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa trên đỉnh đèo De. Đồng chí Bí thư chi bộ Nông Thị Hảo tâm sự: “Để thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động, giáo viên phải biết khơi gợi sở thích, đam mê, nhất là những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trường đã tập trung vào các hoạt động sinh hoạt tập thể có tương tác, đối thoại bằng nhiều hình thức ở tất cả các bộ môn, loại hình sinh hoạt”.
Cô giáo Ma Thị Hiền, Tổ trưởng tổ Sử, Địa, Nghệ thuật cho biết: “Thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Bác Hồ - “Mỗi tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sau khi đăng ký với Chi bộ, chúng tôi đã tổ chức cho 100% giáo viên soạn bài trực tuyến bằng máy tính, có sử dụng hình ảnh, phim tư liệu minh họa. Còn hoạt động trải nghiệm, Tổ bộ môn kết hợp liên môn Sử, Địa, Nghệ thuật để xây dựng sáng kiến với chủ đề “Chúng em là hướng dẫn viên du lịch” thông qua hoạt động giới thiệu về ATK Định Hóa...”. Thầy giáo Lưu Văn Nguyên, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường cho biết thêm: “Với các môn học Hóa, Lý, Sinh được tổ chức dã ngoại, trải nghiệm bằng kiến thức thực hành Hóa, Lý, Sinh. Cũng có thể hướng vào hoạt động trồng nấm, ghép cây... sau đó mới lồng kiến thức bài giảng vào quá trình thực hành của học sinh, như vậy học sinh dễ nhớ bài hơn là giảng lý thuyết”.
Với những việc làm thiết thực, cụ thể cho từng hoạt động, năm học 2017-2018, toàn trường đã thực hiện được 2 chuyên đề dạy học liên môn để thực hiện các nội dung dạy học lồng ghép như: Tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục Luật Giao thông đường bộ; giáo dục bảo vệ môi môi trường, biển đảo quê hương; giáo dục về lịch sử sinh thái ATK Định Hóa; kỹ năng sống. Đặc biệt, đến nay toàn trường đã sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học: Số giờ dạy sử dụng CNTT trong học kỳ II năm học 2017-2018 trên 1.500 giờ, tăng hơn 600 giờ so với cùng kỳ năm học trước; Số giờ sử dụng đồ dùng trực quan học hơn 1.000 giờ; số giờ thực hành, thí nghiệm gần 500 giờ. Trong năm học có gần 2.000 giờ dạy ứng dụng CNTT; có trên 400 tiết thực hành, thí nghiệm; có 2.038 tiết dạy sử dụng đồ dùng trực quan... tăng trên 50% so với năm học 2016-2017. Chính vì vậy, chất lượng giảng dạy của giáo viên được nâng cao. Trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2017, Trường có 3 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Riêng chuyên đề dạy học theo chủ đề tích hợp cấp trường và tham gia cấp tỉnh, Trường có 7 giáo viên đạt giải cao. Phong trào thi đua tự nâng cao kiến thức chuyên môn cũng được mỗi cán bộ, giáo viên tích cực tham gia. Toàn Trường có 41,7 % giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (tăng trên 10% so với năm 2016), tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn chiếm gần 50%. Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05/TW, Trường THPT Bình Yên đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua Tập thể lao động xuất sắc năm 2017 và được công nhận Trường chuẩn Quốc gia lần thứ hai.