Giảng viên trẻ Khoa Quốc tế giành học bổng toàn phần tới Mỹ

10:33, 05/06/2018

Là một trong ba đại diện tiêu biểu của Việt Nam được chọn cho chương trình “Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" chủ đề “Môi trường" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn, Cô giáo trẻ và năng động - Nguyễn Thanh Tân (giảng viên Bộ môn Khoa học Sự sống, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên) đã có cơ hội tới thăm và học tập tại các trường đại học và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ Hoa Kỳ ở Hawaii, San Francisco, và Washington DC.

Ngay từ khi còn là sinh viên Đại học Thái Nguyên, cô giáo Nguyễn Thanh Tân (sinh năm 1992) đã tham gia nhiều dự án vì cộng đồng và bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp cô Tân đã trúng tuyển làm giảng viên Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên. Với ước muốn đưa những ý kiến từ thực tế trải nghiệm của bản thân về vấn đề bảo vệ môi trường, cô đã mạnh dạn đăng ký một số hội thảo quốc tế. Tại Chương trình giao lưu thanh niên quốc tế, trong đó có học bổng YSEALI của nguyên Tổng thống Barack Obama tại Hoa Kỳ hồi tháng 4-2018 vừa qua, cô Nguyễn Thanh Tân đã gây ấn tượng mạnh về chủ đề thuyết trình khoa học bảo vệ môi trường.

Cũng tại diễn đàn các nhà khoa học trẻ tuổi nạy, chương trinh Học bổng YSEALI đã đưa cô cùng các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tới các trường đại học và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ Hoa Kỳ. Tại đây, họ có thể đào sâu thêm kiến thức về các vấn đề khu vực, và chia sẻ kinh nghiệm cũng như tầm nhìn của mỗi cá nhân chủ đề tài.

Giảng viên Nguyễn Thanh Tân và học viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á trong chuyến thực tế tại Mỹ.

Thông tin về chương trình học bổng YSEALI 2018: Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đang tìm kiếm ứng viên tuổi từ 18 đến 25 đến Hoa Kỳ cho chương trình Sáng Kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, một chương trình học bổng toàn phần trong vòng năm tuần, mọi chi phí đi lại trong nước và quốc tế, sách vở, các hoạt động văn hoá, thư từ, phụ phí sinh hoạt và ăn ở do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đài thọ. Các thành viên sẽ cùng khám phá những giá trị Hoa Kỳ và kết nối với những nhà lãnh đạo trẻ đến từ các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Cô Thanh Tân chia sẻ: “Với mình đây là trải nghiệm quý giá khi được học tập và tiếp cận môi trường giáo dục hàng đầu thế giới, phương pháp giảng dạy vô cùng ấn tượng và hiệu quả của người Mỹ. Nó giúp mình rất nhiều trong việc cải thiện phương pháp tiếp cận và đào tạo sinh viên. Đặc biệt, việc tới thăm các nhà máy, công ty trong lĩnh vực môi trường, lắng nghe, gặp gỡ với các vị lãnh đạo của một cường quốc đứng đầu trên thế giới. Mình nhận thấy người Mỹ rất chủ động trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Họ không ngồi đó chờ chính phủ giải quyết hay đổ lỗi cho chính phủ, mà bắt tay ngay vào giải quyết vấn đề. Ví dụ như việc biến rác thải rắn không thể tái chế được thành năng lượng điện, và bán điện sản xuất được cho chính phủ, thu về lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Với họ rác không phải là một “gánh nặng" mà là một “tài nguyên", thậm chí họ còn “thiếu rác" để dùng. Đó chỉ là một trong hàng trăm những sáng kiến và hành động bảo vệ môi trường của người Mỹ”. Tin rằng bằng sự đam mê cô Nguyễn Thanh Tân sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong bước đường nghiên cứu khoa học của mình.

Từ những trải nghiệm của mình, cô Thanh Tân nhận thấy tầm quan trọng của việc tiếp xúc, va chạm thực tế với các môi trường quốc tế nên cô rất khuyến khích sinh viên bước ra khỏi thế giới bé nhỏ của mình để trải nghiệm, khám phá tiềm năng của chính bản thân mình và có những tư duy rộng mở hơn. Cô tiếp cận với sinh viên trên tinh thần chia sẻ từ kinh nghiệm và vốn kiến thức mà mình có, và học hỏi những gì mình chưa biết. Cô Thanh Tân tâm sự: “Cách tiếp cận đó khiến việc dạy học của mình thoải mái và thú vị hơn, vì mình luôn được “nhận lại” từ sinh viên, khiến mình luôn trẻ trung và nhiều năng lượng. Đó cũng là lợi ích rất lớn của việc dạy học”.

Với lợi thế đã tốt nghiệp loại Giỏi từ chương trình tiên tiến hợp tác giữa trường UC Davis, Hoa Kỳ chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Sau khi ra trường, cô được giữ lại làm giảng viên của Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, may mắn được sử dụng 100% Tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu, cô đã có cơ hội được liên tục trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Do vậy khi tham gia phỏng vấn cô khá tự tin trả lời các câu hỏi của hội đồng tuyển chọn, và vượt qua hàng trăm ứng viên “nặng kí" khác đến từ khắp nơi trong cả nước.