Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực; đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp của sinh viên phải từ chất lượng đào tạo
Đại biểu Đào Tú Hoa (TP. Hà Nội) chất vấn về tình trạng hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân. Giải pháp của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới là gì?
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, gốc của vấn đề là chất lượng. Để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp của sinh viên phải từ chất lượng đào tạo. Theo đó, chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường, phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động, nâng cao chất lượng, đào tạo theo vị trí.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như: Công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động...; qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các khâu khác nhau của quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì”.
Về phía Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, “mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định; đồng thời cho biết, “tăng hậu kiểm, không nặng về tiền kiểm như trước”; công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, dùng thông tin dư luận để điều chế lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt.
Đổi mới giáo dục không thể nóng vội
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Bộ trưởng, từ đó muốn hỏi về lộ trình đổi mới, dự kiến kết quả sẽ thực hiện được trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Đổi mới giáo dục không thể nóng vội vì liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau; quyết tâm làm nhưng phải có bước đi, lộ trình. Ngay như đổi mới thi, chúng ta từ 2 kỳ thi rất tốn kém, giờ chuyển thành kỳ thi 2 trong 1; đến năm 2017 cơ bản ổn định, được nhân dân, cử tri cơ bản đồng tình.
Theo Bộ trưởng, thực hiện đổi mới, chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiệm vụ và có kết quả. Ví dụ, phổ cập mầm non 5 tuổi, đây là thành công rất lớn so với các nước trong khu vực. Việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng được đánh giá cao. Học sinh Việt Nam tham gia kỳ đánh giá PISA đạt kết quả tốt; Ngân hàng Thế giới cũng có ghi nhận kết quả đổi mới giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết thêm, về chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình các môn học đang được đánh giá kỹ lưỡng. Trong khi chờ chương trình mới, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, phù hợp hơn theo phương thức giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Về tiến độ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian thực hiện.Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cố gắng hoàn thiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo...
Chia sẻ về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề này nằm trong quy trình. Sau khi tập thể tác giả xây dựng dự thảo chương trình môn học đã đi khảo sát thực nghiệm tại các trường ở 6 tỉnh, thành khác nhau. Phần lớn ý kiến đánh giá chương trình có nhiều điểm mới, tuy nhiên, một số môn, kiến thức còn nặng, cần làm rõ thêm phương pháp và gắn với điều kiện thực hiện.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội là đổi mới, chương trình lần này kế thừa những hợp lý của chương trình hiện hành và phát triển những điểm mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xu hướng quốc tế, phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương. Quá trình xây dựng chương trình các môn học luôn được chỉnh sửa để khi triển khai phải đồng bộ với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Bộ trưởng cho rằng, trong lần đổi mới này, vấn đề lớn nhất là ở đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bồi dưỡng giáo viên để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay đang triển khai và theo đúng lộ trình.
Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm những người bạo hành trẻ
Liên quan đến bức xúc giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ. Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Việc bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề...
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động từ 6 tháng đến 5 tuổi (các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc./.