“Mẹ Nguyệt” chính là cách xưng hô trìu mến mà nhiều lứa học sinh lớp chuyên Văn dành cho Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Trần Thị Nguyệt, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Đối với họ, cô Nguyệt không chỉ là một người chèo lái chuyến đò tri thức, là tấm gương sáng để noi theo mà còn là người mẹ thứ hai có thể tâm sự những buồn vui trong cuộc sống. 30 nămtrong nghề,bằng sự nhiệt huyết và trách nhiệm của mình, cô Nguyệt đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia...
Ngay từ khi còn nhỏ, cô Trần Thị Nguyệt đã dành tình yêu với nghề giáo. Ngày nào cũng vậy, sau khi tan học, cô gái nhỏ lại cầm những viên than đen xì viết lên bức tường gỗ của gia đình tập làm cô giáo. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhưng cô vẫn quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu học hành chăm chỉ từng ngày để thực hiện mơ ước của mình. Chính sự nỗ lực đó mà vào năm lớp 11, cô là một trong hai học sinh duy nhất của tỉnh Tuyên Quang tham gia cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn. Và rồi, ước mơ của cô đã trở thành sự thật, sau 4 năm đèn sách ở Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên), năm 1988, cô đã trở thành giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Dù có kiến thức khá chắc chắn nhưng cô cũng đã gặp khá nhiều khó khăn vào ngày đầu đứng lớp. Cô Trần Thị Nguyệt tâm sự: “Thời gian đầu tôi khá lo lắng không biết học sinh có hiểu bài giảng không. Đặc biệt với đặc thù là trường vùng cao, học sinh chủ yếu là dân tộc ít người nên ngoài việc dạy Văn, tôi còn phải dạy các em tiếng Việt, cách phát âm sao cho đúng ngữ điệu. Vào buổi chiều và tối, tôi thường xuyên phụ đạo thêm cho từng em, quan tâm hơn tới những em có học lực kém”. Chính nhờ sự hướng dẫn tâm huyết của cô, năm 1994, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã có học sinh đầu tiên đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn.
Cũng xuất phát từ chính đam mê với nghề, cô không ngừng tìm tòi, sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm học sinh. Sau 7 năm giảng dạy tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, cô chuyển sang công tác tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Với đối tượng học sinh mới, cô Nguyệt đã thay đổi cách truyền tải kiến thức, đổi mới phương pháp dạy từ chi tiết, tỉ mỉ như ở trường cũ, mà đóng vai trò là người khai mở, định hướng sao cho học sinh được phát huy cá tính, sự sáng tạo nhưng vẫn tôn trọng văn bản. Chính vì thế, vẫn bài văn, câu thơ ấy, dưới lời giảng của cô như sống động, mới lạ hơn. Em Nguyễn Thị Hà Vy, Lớp Chuyên Văn K28, Trường THPT Chuyên kể: Với mỗi văn bản, ngoài việc bám sát nội dung chính, cô còn cung cấp cho chúng em nhiều hướng tiếp cận sao cho sáng tạo và sâu sắc. Quá trình giảng dạy, cô thường kể những câu chuyện liên quan về nội dung tác phẩm, khiến những giờ học văn trở nên thú vị và giúp chúng em hiểu kiến thức dễ hơn.
Cô để lại dấu ấn rất riêng trong ký ức của các thế hệ học sinh không chỉ ở sự tâm huyết với các bài giảng mà sự quan tâm, sẻ chia trong cuộc sống hàng ngày. Với vai trò là cô giáo chủ nhiệm rất nhiều khóa chuyên Văn, cô luôn quan tâm tới hoàn cảnh, tâm tư của mỗi học sinh trong lớp. Bất kỳ em nào gặp vấn đề gì cô đều nắm bắt được ngay và cùng cán bộ lớp hỏi han, giúp đỡ. Trong các giờ sinh hoạt, cô luôn đưa ra những chủ đề về ước mơ, đạo đức, gia đình… để trao đổi, từ đó định hướng suy nghĩ cho mỗi học sinh trong cuộc sống và học tập...
Không chỉ nhận được tình cảm yêu quý của các học sinh, cô Trần Thị Nguyệt còn được đồng nghiệp nể phục, tôn trọng và là tấm gương để họ học tập. Là một học sinh của cô và đến nay đã trở thành đồng nghiệp, đối với chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chuyên, cô Trần Thị Nguyệt chính là người mẹ thứ hai. Chị cho biết: “Cô là người đã truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi trong những năm tháng phấn đấu trở thành một học sinh giỏi và một cô giáo dạy Văn như hiện nay. Không chỉ với tôi, bất cứ đồng nghiệp nào trong Trường gặp khó khăn cô cũng đều chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Cô luôn quan tâm tới những giáo viên trẻ, thường xuyên dự giờ, góp ý những điểm được và chưa được, từ đó hướng dẫn họ trau dồi kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng chuyên môn”.
Từ năm 1999 đến nay, trong vai trò là Tổ trưởng tổ chuyên môn, cô Nguyệt luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, xây dựng tổ Ngữ Văn đoàn kết, gắn bó, đạt hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, giỏi và tiên tiến hàng năm. Cô cùng đồng nghiệp đã bồi dưỡng được 87 giải học sinh giỏi cấp Quốc gia, 12 giải viết thư Quốc tế UPU và rất nhiều giải học sinh giỏi cấp tỉnh. 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, bằng tâm huyết, trái tim của một nhà giáo cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh và đất nước. Từ năm học 2011-2012 đến nay cô liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vì đã có cống hiến trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc năm 2014; nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2008-2009 đến năm học 2012-2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Đề án phát triển Trường THPT Chuyên giai đoạn 2010-2015; Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp Quốc gia…