Khoa Toán (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã hoàn chỉnh chương trình đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh và sẽ tuyển sinh vào năm học 2018-2019. Đây chính là một trong những nội dung cụ thể hóa mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm.
Trước những yêu cầu về đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là từ năm 2013, Nghị quyết số 29/NQ- của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ra đời, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình đổi mới. Bên cạnh các hoạt động kiểm định và công khai chất lượng kiểm định, chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo và cá modun chương trình nội dung cải tiến trong đào tạo, nghiên cứu, Trường đã định hướng cho các khoa chủ động xây dựng khung chương trình đổi mới, sau khi thông qua hội đọng khoa học cơ sở thẩm định thì tiến hành kiểm định quốc gia. Một trong những đơn vị tiên phong chính là Khoa Toán.
Từ năm học 2015-2016, Khoa đã chủ động rà soát lại chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trên cơ sở đó điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giữ lại các học phần căn cốt của khoa học Toán học đồng thời tăng cường thêm một số học phần dạy kiến thức nghề cho sinh viên, thiết kế lại đề cương môn học nhằm định hướng hoạt động học tập, tự nghiên cứu cho sinh viên. Trong quá trình rà soát lại chương trình đào tạo, Khoa đã rà soát lại tất cả tài liệu học tập và tài liệu tham khảo của các học phần thuộc chương trình đào tạo sao cho mỗi học phần có ít nhất là 1 tài liệu học tập và 3 đến 5 tài liệu tham khảo. Khoa đã chủ động đề nghị với Nhà trường đầu tư thêm các đầu sách, đặc biệt là sách bằng tiếng Anh để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong Khoa (năm 2017, Nhà trường đã mua trên 35 đầu sách tiếng Anh cho Khoa). Bên cạnh việc rà soát lại chương trình đào tạo, Khoa chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tự học của sinh viên, trong tất cả các học phần đều phải có giờ lý thuyết, bài tập, thảo luận/thực hành.
Đối với một số học phần có liên quan nhiều đến chương trình môn Toán ở trường phổ thông, ngoài giờ lý thuyết, bài tập, thảo luận/thực hành khoa còn bố trí cho sinh viên đi thực tế môn học ở trường phổ thông để sinh viên có trải nghiệm. Song song với hoạt động đào tạo, thự tế, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa được đẩy mạnh theo hai hướng: Hướng nghiên cứu cơ bản nhằm đẩy mạnh công bố quốc tế và phục vụ đào tạo sau đại học; hướng nghiên cứu ứng dụng theo hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục phổ thông. Cũng trong năm học 2015-2016, trong quá trình vừa xây dựng khung chương trình và các modun đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh, Khoa đã chủ động tìm đến các trường phổ thông thuộc hệ thống chuyên và không chuyên dạy học sinh quốc tế cả công lập và tư thục để thực tế, “học việc”, từ đó đưa ra những yêu cầu và tiêu chí mang tính bắt buộc trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với giảng viên sư phạm Toán.
Khó khăn lớn nhất là vấn đề ngoại ngữ, khi gần 60% là các giảng viên đã ngoài 40 tuổi, không thường xuyên sử dụng tiếng Anh, hoặc chỉ sử dụng các ngôn ngữ Nga, Pháp, Trung… do môi trường đào tạo nghiên cứu trước đây rồi về Trường giảng dạy, nghiên cứu. Để thực hiện được các bài giảng, tiết học mẫu dạy Toán bằng tiếng Anh, Khoa đã mới một số chuyên gia, giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh (người nước ngoài) tại các trường quốc tế trong nước đến thao giảng, hướng dẫn…
Sau những khóa tự học tiếng Anh, mỗi năm đã có 20-30% giảng viên cập chuẩn tiếng Anh theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, và đến nay 100% đều đạt chuẩn, trong đó có trên 54% có học vị tiến sĩ và học hàm phó giáo sư. Đây chính là nguồn lực cơ hữu để thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu đào tạo giáo viên giảng dạy Toán bằng tiếng Anh, đồng thời cũng là bắt kịp với quá trình đào tạo sư phạm Toán theo chuẩn quốc tế.
Đối với sinh viên, tiêu chuẩn cốt lõi vẫn là nắm vững kiến thức và không ngừng nghiên cứu, sáng tạo trong môi trường hội nhập quốc tế. Theo PGS,TS. Hà Trần Phường, bộ môn Giải tích và Toán ứng dụng: “Khi đã làm chủ kiến thức chuyên môn thì tiếng Anh, hay ngoại ngữ nào đi nữa cũng chỉ là phương tiện chuyển tải kiến thức đến người học. Ban đầu học ngoại ngữ có thể sẽ hơi khó, nhưng chỉ là thói quen và nếp nghĩ thôi. Đặt trong điều kiện một môi trường làm việc hấp dẫn, thu nhập cao ở các trường quốc tế đang chờ đón giáo viên Toán, chắc chắn sinh viên, các giáo sinh sẽ tự vận động để theo kịp”. Được biết, hiện nay Khoa Toán đã và đang tổ chức nhiều khóa đưa sinh viên đi thực tế, thực tập tại các trường phổ thông quốc tế tại khu vực Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng… để sinh viên tiếp cận với môi trường dạy học quốc tế đang thu hút đông đảo nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay.