Hè là dịp các thầy, cô giáo được thảnh thơi. Thế nhưng, giáo viên hợp đồng lại tất tả ngược xuôi đi tìm việc làm khác để trang trải cho cuộc sống hằng ngày vì nghỉ hè đồng nghĩa với việc không có còn được trả tiền công dạy học...
Thái Nguyên có gần 20 nghìn giáo viên trong biên chế tham gia giảng dạy tại các trường mầm non, phổ thông công lập. So với nhu cầu thực tế, năm nào tỉnh cũng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong khi chưa được bổ sung biên chế từ Trung ương, vài năm trở lại đây, tỉnh đã rất quan tâm và tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn này cho ngành Giáo dục. Cụ thể, ngày 8-12-2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND về số lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên trong các trường mầm non, tiểu học và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Theo đó, HĐND tỉnh đã giao số lượng giáo viên làm việc trong các trường mầm non là 1.194 hợp đồng, tiểu học là 229 hợp đồng và nhân viên nấu ăn là 1.613 hợp đồng. Giáo viên hợp đồng mầm non và tiểu học được hỗ trợ tiền công tính bằng hệ số lương bình quân là 1,86 mức lương có sở, hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề là 35%, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với thời hạn không quá 9 tháng. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 12-1-2017 về giao số lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên trong các trường mầm non, tiểu học và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh năm 2017 (QĐ98). Ngày 8-12-2017, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2018. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ hoạt động năm 2018 đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh (QĐ39) với tổng kinh phí gần 149,5 tỷ đồng.
Trên thực tế, những giáo viên vào dạy học theo QĐ98 có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền công hỗ trợ và 35% phụ cấp ưu đãi). Trong 2 tháng nghỉ hè, những giáo viên này không được trả lương, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Theo QĐ39, giáo viên mầm non và tiểu học được hưởng mức thù lao 3,8 triệu đồng/tháng đối với bậc giáo viên THCS được hưởng mức 4,2 triệu đồng/tháng, giáo viên THPT được hưởng mức 4,7 triệu đồng/tháng, song không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Nghỉ hè cũng đồng nghĩa những giáo viên này không có thu nhập. Do vậy, họ phải tự kiếm thêm việc làm khác để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Chị Dương Thị Tuyết, giáo viên Trường Mầm non Giang Tiên (Phú Lương) chia sẻ: Lương mỗi tháng cộng với tiền phụ cấp đứng lớp của tôi hiện được 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 2 tháng nghỉ hè năm 2017 và năm 2018, tôi không được trả lương như những giáo viên trong biên chế. Rất may, Nhà trường vẫn tổ chức trông trẻ trong 2 tháng hè nên tôi vẫn có một khoản thu nhập nhỏ để trang trải cho sinh hoạt gia đình hằng ngày. Ở một số trường mầm non trong huyện không tổ chức trông trẻ dịp hè, các cô giáo hợp đồng như tôi đều phải đi kiếm thêm việc làm để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Chị Ngô Thị Thắm, giáo viên Trường THCS Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho hay: Tôi được Nhà trường ký hợp đồng dạy học theo tiết dạy, giờ dạy (theo Quyết định số 39/QĐ-UBND của UBND tỉnh) với mức thù lao 4,2 triệu đồng/tháng, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong 2 tháng hè, tôi phải bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc tôi đang làm cũng rất bấp bênh, không ổn định. Do vậy, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập của chồng. Giá như vẫn được trả lương trong 2 tháng hè, cuộc sống kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn, tôi sẽ tập trung nghiên cứu tài liệu, đọc các loại sách hướng dẫn, tham khảo để thiết kế những giáo án, bài giảng hay hơn cho năm học tới...
Cô giáo Bồ Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Giang Tiên cho hay: Trong năm học 2017-2018, Nhà trường có 38 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 10 giáo viên hợp đồng theo QĐ98. Những giáo viên hợp đồng cũng thực hiện nhiệm vụ như giáo viên trong biên chế, thậm chí nhiều cô còn rất trách nhiệm và đam mê với nghề. Thế nhưng, các cô lại không được hưởng lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong 2 tháng hè. Đó là điều rất bất hợp lý và thiệt thòi cho các cô. Trong trường, có trường hợp một giáo viên có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, chồng cũng không có việc làm ổn định, trong khi đó con lại nhỏ, thường xuyên ốm đau. Giá như giáo viên này vẫn được trả lương trong 2 tháng hè thì sẽ phần nào vơi bớt những khó khăn, áp lực trong cuộ sống hằng ngày.
Theo cô giáo Trần Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tức Tranh (Phú Lương), việc thực hiện ký hợp đồng thuê khoán theo vụ việc, ngày, giờ... đối với giáo viên, nhân viên nấu ăn, không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ rất thiệt thòi cho họ. Bởi người lao động sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm khi ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp và khó có thể yên tâm công tác. Cùng với đó, các trường cũng rất khó khăn trong thu hút lao động vào làm việc tại trường, nhất là nhân viên nấu ăn. Bởi nhiều công ty, doah nghiệp trả công cao hơn, lại được đóng bảo hiểm xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa cho biết: Năm học 2017-2018, toàn huyện thiếu 96 giáo viên, 46 nhân viên và 167 nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập. QĐ98 và QĐ39 của tỉnh ra đời đã kịp thời giúp huyện giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên dạy học, nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non. Tuy nhiên, với mức thu nhập như hiện nay, thấp hơn nhiều so với lao động làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, lại không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, năm học tới, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong thu hút giáo viên, nhân viên nấu ăn vào làm việc tại các trường học. Những người trẻ tuổi, có trình độ, có sức khỏe sẵn sàng cất tấm bằng tốt nghiệp Đại học để đi làm công nhân với thu nhập từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/tháng ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với thực trạng trên, trong khi chưa có nguồn biên chế bổ sung, chúng tôi thiết nghĩ, tỉnh cũng cần nghiên cứu cho xã hội hóa một phần cùng với nguồn ngân sách của tỉnh trả công cho giáo viên, nhân viên nấu ăn hợp đồng thuê khoán theo vụ việc, theo ngày, giờ... có thêm nguồn thu nhập, để họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài trong ngành giáo dục.