Vấn nạn gian lận trong thi cử

09:13, 20/07/2018

Những ngày này, báo chí cả nước đang tốn khá nhiều giấy mực xung quanh vụ lùm xùm trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang. Việc một cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tỉnh này trực tiếp can thiệp và “hô biến” kết quả thi của thí sinh đã thực sự khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, đây chỉ là “giọt nước tràn ly” vì vấn đề gian lận trong thi cư đã từ lâu trở thành vấn nạn khó dẹp bỏ.

Tại sao lại nói gian lận trong thi cử là vấn nạn? Dễ hiểu vì các trường hợp tiêu cực trong các kỳ thi gần như năm nào cũng có mà chưa thể giải quyết triệt để. Xin được điểm lại một số vụ việc điển hình diễn ra trong cả nước mấy năm gần đây.

Hẳn chúng ta còn nhớ vụ việc tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cách nay hơn 10 năm. Xuất phát từ việc thầy Đỗ Việt Khoa đã quay clip ghi lại cảnh giáo viên tại trường này bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng thi phát bài giải cho thí sinh. Thầy Khoa còn tố giám thị nhận 700.000 đồng/người để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu.

Tiếp đó, năm 2012, trường hợp gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trở thành tâm điểm bàn luận của xã hội. Sự việc cũng do một thầy giáo cung cấp clip quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng thi này. Clip ghi lại cảnh giáo viên vào phòng thi ném bài và thu “phao” môn Toán, Ngoại ngữ. Thậm chí, trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.

Ngay năm sau (2013) là vụ việc tiêu cực xảy ra ở Trường THPT Quang Trung (Hà Nội). Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được clip phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi của nhà trường. Clip quay lại cảnh nhiều thí sinh thản nhiên giật bài, làm bài tập thể trong phòng thi, bất chấp sự có mặt của những giám thị coi thi. Trong khi đó, giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện. Năm 2015, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, khi đang diễn ra bài làm môn Lịch sử trong ngày thi thứ ba, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hai người để điều tra hành vi dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử đưa vào phòng thi. Đây là một hình thức sử dụng công nghệ rất tinh vi mà trong thời đại hiện nay các đối tượng gian lận thi cử thường áp dụng.

Đó là trong nước, còn một số nước trên thế giới, tình trạng tiêu cực trong thi cử cũng trở nên phổ biến, là vấn đề nhức nhối với chính quyền. Chúng ta còn nhớ hình ảnh ở Ấn Độ, nhiều phụ huynh đã trèo tường ném phao thi rào rào cho con em mình như ở chỗ không người. Rồi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, nhiều trường hợp gian lận trong thi cử cũng được đưa ra bêu riếu trên các diễn đàn giáo dục. Đáng lưu ý, ngay cả trường đại học danh giá của Mỹ là Harvard cũng từng xảy ra các vụ tiêu cực thi cử đáng tiếc…

Có muôn vẻ gian lận, nhưng phổ biến nhất là dạng học sinh quay cóp, trao đổi bài với nhau. Ở mức độ cao hơn, học sinh cố ý mang tài liệu vào phòng thi dưới nhiều hình thức tinh vi. Thậm chí, nhiều học sinh còn nhờ người đi thi hộ. Trường hợp khác, phụ huynh mua chuộc giáo viên, cán bộ, đưa hối lộ bằng nhiều hình thức để được ưu ái hơn. Giáo viên bán đề, gợi ý đề, bán điểm, gạ tình đổi điểm, chấm bài thiếu trung thực. Nhiều giáo viên còn tự ý cho điểm khống. Cán bộ giáo dục triển khai đáp án và hướng dẫn chấm không đúng, làm việc thiếu trách nhiệm, ghép phách báo điểm sai…

Do đó, đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh tay hơn để chấn chỉnh hoạt động thi cử. Các chuyên gia cho rằng, cần giáo dục tính trung thực, tổ chức tốt việc học tập và thi cử trong từng môn học, từng tiết học, tạo cho học sinh một nề nếp nghiêm túc. Tuyên truyền để học sinh, phụ huynh thấy cần có năng lực thật sự để làm người chứ không phải nhờ vào bằng cấp có được do tiêu cực. Phát động và duy trì thường xuyên phong trào chống tiêu cực trong thi cử, tránh bệnh hình thức, thành tích theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Cần tổ chức những kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc; có thể cấm thi vĩnh viễn hoặc nhiều năm đối với những thí sinh vi phạm nghiêm trọng; kỉ luật nặng hoặc cho thôi việc những giáo viên, cán bộ tiêu cực. Cần sàng lọc cán bộ công chức, loại những người thiếu đạo đức nghề nghiệp, không có năng lực hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy…

Được biết, nhân vụ việc tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang bị phát hiện, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang phối hợp để mở rộng hoạt động kiểm tra sang các địa phương có dấu hiệu bất thường trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, trước mắt có thêm hai địa phương là Lạng Sơn và Sơn La. Hy vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành chức năng lần này sẽ làm quyết liệt hơn để tạo sức răn đe đủ mạnh có thể cải thiện môi trường thi cử trong cả nước.