Có lẽ chưa bao giờ vấn đề thi cử lại trở nên “nóng” như thời gian vừa qua, nhất là từ sau kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với nhiều điều tiếng cùng những gian lận ở một số Hội đồng thi. Dư luận đánh giá cao những cải cách về hình thức thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhưng lại chưa đồng tình với cách kiểm soát các khâu coi và chấm thi.
Cách đây 4 năm, Bộ GD&ĐT tiến hành cải cách thi cử bằng việc xây dựng và triển khai phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia theo hình thức “hai trong một”, vừa lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa lấy căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi được tổ chức tại các tỉnh, thành, do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp; áp dụng hình thức thi trắc nghiệm để tạo yếu tố khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn), mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng... Việc đổi mới hình thức thi cử này vừa rút ngắn thời gian, vừa giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức. Đồng thời, phát huy năng lực học sinh, góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ hoặc cắt xén chương trình để dạy thêm, học thêm.
Vì có những nét mới, tiến bộ và tiện ích nên đến nay phương thức thi này vẫn được áp dụng, dự kiến sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT đã xây dựng các bước tiếp theo để hoàn chỉnh hơn chủ trương cải cách thi cử bằng việc chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi nhằm nâng cao độ phân hóa của đề thi, hướng tới Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tới đây, nếu điều kiện cho phép, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính…
Cách làm và định hướng của ngành GD&ĐT là phù hợp, nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh những tiêu cực phát sinh cần phải quan tâm nhiều hơn đến khâu tổ chức thực hiện, chế tài kiểm soát trong thi cử. Sự việc gian lận trong chấm thi ở Hội đồng thi THPT Quốc gia các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn hay Sơn La vừa qua là bài học đắt giá. Dư luận cho rằng, đây là những sai phạm có hệ thống và kéo dài nhiều năm chứ không riêng gì năm 2018 (?!). Vì hành vi gian lận điểm quá lộ liễu của một số Hội đồng thi các tỉnh nói trên nên mới vỡ lở và khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Thực tế này một lần nữa giúp ngành GD&ĐT và cả xã hội nhìn nhận đúng hơn bản chất của vấn đề.
Vấn nạn gian lận trong thi cử được nhắc đến từ lâu, nhưng sau những nỗ lực cải cách thi cử của Bộ GD&ĐT thì những sai phạm nói trên thật sự là điều đáng bàn. Đây giống như gáo nước lạnh có thể khiến người ta tê tái, nhưng cũng sẽ làm người ta bừng tỉnh. Những gì đã xảy ra ở kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua chính là liều thuốc thử đối với những người làm công tác quản lý giáo dục nói chung và với lộ trình cải cách giáo dục, cải cách thi cử của chúng ta nói riêng.